Gia Lai là địa phương có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 46,23% và đồng bào Ba Na, Jrai có số dân đông nhất. Nhờ triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có nhiều khởi sắc.

Trong 2 năm 2022 - 2023, tổng vốn ngân sách Nhà nước phân bổ cho Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho tỉnh Gia Lai gần 1.479 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển là gần 774,3 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp là hơn 704,2 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn của Chương trình, Gia Lai đã triển khai thực hiện đồng bộ 10 dự án. Ngay trong năm đầu tiên tổ chức, triển khai thực hiện, các dự án đã phát huy hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, các dự án phát triển kinh tế, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề được các huyện miền núi tập trung thực hiện. Đây chính là tiền đề, là động lực để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.

anh man hinh 2024 02 16 luc 095641.png
Gia Lai làm tốt việc triển khai các dự án vùng đồng bào dân tộc.

Cùng với chính sách, hỗ trợ đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Từ đó, đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường.

Đặc biệt, các địa phương đã chủ động triển khai các hoạt động thương mại, tuyên truyền như: Phối hợp với các đơn vị xây dựng các điểm bán hàng Việt, những sản phẩm OCOP tại các huyện vùng xa như: Krông Pa, Chư Pưh, Đăk Đoa, Chư Păh… để triển khai các hoạt động quảng bá sản phẩm, kết nối hàng hóa của Gia Lai lên các siêu thị, trung tâm bán hàng lớn.

Đơn cử như Phiên chợ giao lưu, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Chư Pah năm 2023 được tổ chức đầu tháng 12/2023. Phiên chợ nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và các mặt hàng chế biến từ sản phẩm nông nghiệp đã đạt OCOP trên địa bàn huyện Chư Pah đến với người tiêu dùng. Qua đó, hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 về việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Gia Lai đã mở 179 lớp học đào tạo nghề cho gần 5.000 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 6.463 hộ dân.

Theo thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Năm 2023, các cơ quan, đơn vị tuyển sinh và đào tạo nghề cho 15.297 người, đạt 122,4% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 38,42% năm 2022 lên 40%.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với lao động nông thôn học nghề, số lượng lao động người dân tộc thiểu số và miền núi  tham gia học nghề ngày càng đông chiếm hơn 90%. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh; xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cao.

Đào Lý và nhóm PV, BTV