Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và kế hoạch giảm nghèo của tỉnh Gia Lai, năm 2023, các huyện, thị xã, thành phố đề ra mục tiêu cụ thể, tổ chức cho hộ nghèo đăng ký và tập trung triển khai hỗ trợ giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện còn 31.502 hộ nghèo (chiếm 8,11%), trong đó có 28.173 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,05% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Để tiếp tục kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo dân tộc thiểu số, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên.
Trong 3 năm (2021-2023), tỉnh Gia Lai đã phân bổ hơn 400 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giải ngân gần 115 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỉnh phải nộp trả 7 tỷ đồng của Dự án 1 - Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp do không triển khai kịp thời gian.
Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh Gia Lai đã giảm từ 12,09% (cuối năm 2021) xuống còn 8,11% (cuối năm 2023). Trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 25,58% (cuối năm 2021) xuống còn 17,05% (cuối năm 2023).
Đối với hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghèo, Gia Lai còn cấp 65.244 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và 62.175 thẻ cho người cận nghèo. Khi sinh kế ổn định hơn, các gia đình chắc chắn sẽ có điều kiện để chăm lo đến giáo dục cho con em ngày càng tốt hơn.
Đồng thời, tỉnh còn hỗ trợ mua bảo hiểm y tế hộ nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình là 83.927. Tổng số kinh phí hỗ trợ khoảng 334.681 triệu đồng.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, tỉnh cũng thực hiện lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án; triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng, huy động đóng góp của người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình trên địa bàn.
Tỉnh Gia Lai đẩy mạnh phát triển, xây dựng các sản phẩm OCOP giúp nâng cao thu nhập cho người dân, xoá đói giảm nghèo được bền vững.
Quá trình giảm nghèo bền vững không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn cải thiện chất lượng đời sống tinh thần của người dân. Đặc biệt, đồng bào thiểu số có điều kiện gìn giữ và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc mình.
Các địa phương còn được yêu cầu tăng cường phân cấp, trao quyền cho chính quyền cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án giảm nghèo bền vững.
Để hỗ trợ người dân, tỉnh còn xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, năng lực triển khai thực hiện công tác giảm nghèo.
Thời gian tới, công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo trong đồng bào DTTS vẫn là nhiệm vụ mục tiêu được tỉnh Gia Lai quan tâm và chú trọng. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chú trọng thực hiện xóa nghèo đa chiều, giảm các tiêu chí thiếu hụt. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ nghèo nỗ lực vươn lên, chủ động xin thoát nghèo. Kết hợp vừa hỗ trợ vay vốn ưu đãi vừa hướng dẫn các hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao thu nhập. Hướng dẫn người nghèo sản xuất theo hướng tổ sản xuất gắn với doanh nghiệp; vận động tham gia vào tổ chức nông hội để cùng nhau trao đổi thông tin, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.