Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, thời gian qua tỉnh xuất hiện nhiều ổ dịch bệnh gia súc nguy hiểm, các địa phương phải tiêu hủy số trâu, bò lớn. Các cấp, các ngành, các địa phương đã áp dụng triệt để biện pháp phòng, chống nhằm dập dịch trong thời gian ngắn nhất.

Đến nay, dịch bệnh gia súc cơ bản được khống chế, nhiều xã đã công bố hết dịch. Số gia súc mắc bệnh phát sinh giảm, số gia súc khỏi bệnh tăng cao (khoảng 87,1% tổng gia súc mắc bệnh đã khỏi), số xã không còn gia súc mắc bệnh tăng (chiếm 74,5% so với tổng số xã có gia súc mắc bệnh). 

{keywords}
Gia Lai chủ động phòng ngừa nguy cơ xâm nhiễm bệnh gia súc. 

Việc tiêm phòng được triển khai nhanh, đạt tỷ lệ cao đã giúp Gia Lai khoanh được các ổ dịch, không để dịch bùng phát nghiêm trọng.

Tỉnh cũng tổ chức tốt khâu vệ sinh, khử trùng tiêu độc hàng ngày trong vùng có dịch. Định kỳ tiêu độc tại các vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm. Hiện các địa phương trong tỉnh đã sử dụng hơn 7.350 lít hóa chất, trên 130 tấn vôi bột để tổ chức chống dịch; khoảng 1.290 lít hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao vì mầm mống bệnh vẫn còn lưu hành. Cuối năm nhu cần vận chuyển gia súc tăng, cùng với việc tái đàn, tăng đàn, phục vụ Tết Nguyên đán 2022.

Trước tình hình này, ngành nông nghiệp và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Gia Lai.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc trên địa bàn. Tập trung kiểm tra, giám sát tại nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển gia súc (đặc biệt là lợn) nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Duy trì việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng thường xuyên tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. 

Bên cạnh đó, xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết để ứng phó kịp thời, tổ chức chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra. Khi phát hiện gia súc có biểu hiện bệnh lở mồm long móng hay các dịch bệnh khác, phải tổ chức lấy mẫu gửi xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh và triển khai ngay các biện pháp bao vây, dập tắt ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng.

Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân không tham gia vận chuyển, trao đổi, mua bán gia súc, sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, đặc biệt từ vùng đang có dịch. Tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc vào ra địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong thời gian tới, lực lượng thú y sẽ tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh để triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Cảnh báo tình hình dịch bệnh, hướng dẫn cách ly, chăm sóc gia súc bệnh, chăn nuôi theo quy trình, tiêu độc khử trùng, phun thuốc diệt côn trùng truyền bệnh; tiêu hủy gia súc chết...

Tiếp tục tăng cường công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, đặc biệt là trong vùng dịch. Vận động, tuyên truyền người dân chú trọng khử trùng tiêu độc chuồng nuôi định kỳ. Đồng thời, lực lượng thú y tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương bám sát địa bàn, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức phòng, chống dịch; kịp thời tham mưu Sở NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Trần Hảo