Triệu tỷ sẵn sàng chảy vào nền kinh tế

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5/1, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, số liệu chính thức về tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 13,71%, tương đương con số tuyệt đối đã đưa vào nền kinh tế trong năm qua là 1,5 triệu tỷ đồng.

Mức tăng trưởng tín dụng nói trên cũng đã được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng báo cáo chính thức tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng cùng ngày.

Tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ năm 2024 cách đây vài ngày, khi chưa “chốt” con số chính thức, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng năm 2023 ít nhất 13,5%.

NHNN cũng đã giao mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong năm nay là 15%. Phó Thống đốc cho hay, nếu tính trên cơ sở lượng tiền, dư nợ hiện nay là khoảng 13,56 triệu tỷ đồng, có nghĩa là gần 2 triệu tỷ sẽ được đưa thêm vào nền kinh tế trong năm 2024. 

“Tất nhiên, 15% là trong điều kiện tính toán hiện nay. Nếu như giữa năm, cuối năm điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm được dòng vốn đối ứng và những đối tượng cần thiết cũng như an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, có thể sẽ giao thêm cho các ngân hàng thương mại để tăng trưởng tín dụng”, ông Tú nói.

Khác với mọi năm, năm nay NHNN có những cơ chế mới cho việc điều hành tín dụng, điển hình như việc giao ngay từ trước ngày 1/1 về hạn mức tín dụng cho tất cả các TCTD là 15% để các TCTD phấn đấu đạt chỉ tiêu đó.

“Nếu như ngân hàng, tổ chức tín dụng nào đạt được chỉ tiêu đó mà vẫn có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm chất lượng cũng như an toàn hệ thống, bảo đảm điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép thì chúng tôi sẽ tiếp tục giao thêm”, ông Tú lưu ý.

Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh vốn tín dụng giao từ đầu năm phải được cho vay vào đúng mục đích, đúng đối tượng. Không thể giao hạn mức tín dụng xong rồi mặc cho TCTD “ném” hết vào doanh nghiệp sân sau, vào hệ sinh thái của ngân hàng trong khi những lĩnh vực khác của nền kinh tế lại không được quan tâm.

Chính vì vậy, năm 2024 NHNN sẽ tăng cường giám sát dòng vốn của các ngân hàng. Điều này thể hiện sự minh bạch khách quan, không còn cơ chế xin – cho trong việc cấp room tín dụng.

Sẽ xem xét gia hạn Thông tư 02

Để tín dụng tăng trưởng như kỳ vọng, sức cầu của nền kinh tế phải đủ lớn. Điều này đòi hỏi nỗ lực từ cả hai phía, doanh nghiệp và ngân hàng. 

Trong đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo nội dung Thông tư 02 của NHNN là vô cùng cần thiết với cộng đồng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Theo bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), sau 8 tháng triển khai nội dung Thông tư 02, đã có trên 171.000 tỷ đồng nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ (bao gồm cả gốc và lãi).

Thông tư 02 đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Thông tư 02 có hiệu lực từ 24/4/2023 đến 30/6/2024. Bà Giang cho biết, thời gian qua NHNN ghi nhận một số kiến nghị của tổ chức tín dụng cũng như phía các doanh nghiệp đề nghị kéo dài thời hạn của Thông tư 02. 

“Hiện nay NHNN đang tiến hành rà soát và sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ về đề xuất kéo dài thời hạn Thông tư 02 để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân", bà Giang thông tin.

Nói thêm về việc gia hạn Thông tư 02, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ 3 tháng trước khi Thông tư hết hiệu lực. Điều này có nghĩa chậm nhất đến ngày 31/3 NHNN sẽ có báo cáo tổng hợp, đề xuất việc gia hạn (nếu có) đối với Thông tư này.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng khẳng định quan điểm của NHNN trong việc này là phải công khai, minh bạch nợ xấu, không thể vì cơ cấu các khoản nợ mà TCTD được phép giấu nợ xấu.