Theo cáo trạng, ngày 6/8/2018, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội thăm, làm việc tại Trung Quốc và Hàn Quốc từ ngày 25/9 đến 2/10/2018.
Do lịch thay đổi, đoàn công tác chỉ thăm và làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 4-7/12/2018.
Ngày 27/8, Bộ KH&ĐT đã phát thư mời, biểu mẫu để các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tham gia. Theo quy định của ban tổ chức, đối tượng tham gia là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư, thương mại.
Sau khi được ban tổ chức phê duyệt, doanh nghiệp gửi hồ sơ xin cấp visa, ký hợp đồng với Công ty CP du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Viettravel) để thực hiện công tác hậu cần cho chuyến đi và làm thủ tục visa cho doanh nghiệp.
Bộ KH&ĐT đã ra quyết định thành lập đoàn doanh nghiệp, ban hành văn bản đề nghị Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam hỗ trợ cấp visa cho 86 cá nhân thuộc 44 doanh nghiệp.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đến ngày 3/12/2018, do một số doanh nghiệp đã đăng ký nhưng không tham gia, một số cá nhân không phải cấp visa vì đã có hộ chiếu công vụ hoặc thẻ APEC nên Đại sứ quán Hàn Quốc đã cấp visa cho 53 cá nhân thuộc 35 doanh nghiệp, trong số đó có Lê Thị Liễu...
Đến ngày 7/12/2018, sau khi kết thúc lịch trình công tác, đã có 9/17 người không cùng đoàn công tác về Việt Nam. CQĐT làm rõ 6/17 người được Lê Thị Liễu và đồng phạm tổ chức môi giới trốn đi Hàn Quốc.
Theo cáo buộc, lợi dụng nhu cầu nhiều người muốn đi Hàn Quốc để lao động, tìm việc và chính sách của Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối đầu tư, kinh doanh với nước ngoài thông qua việc tham gia cùng các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại nước ngoài, các bị can trong vụ án đã tổ chức, môi giới cho 6 người trốn đi Hàn Quốc.
Trong số đó có 4 người đã về Việt Nam, 2 người đang trốn ở lại. Qúa trình thực hiện, Liễu tiếp nhận khách do các bị can khác môi giới.
Cáo buộc cho rằng, để thực hiện hành vi phạm tội, Liễu mua lại các công ty của người khác và lợi dụng tư cách pháp nhân công ty của người thân quen để làm thủ tục đưa khách vào làm lãnh đạo, nhân viên các công ty; chỉ đạo nhân viên hoàn thiện thủ tục hồ sơ để khách tham gia đoàn doanh nghiệp xuất cảnh đi Hàn Quốc, sau đó trốn ở lại.
Đến nay, 3 người đã về Việt Nam, người có tên Dương Hùng Quang vẫn đang trốn ở lại.
Liễu thực hiện hành vi tội phạm nhằm mục đích vụ lợi, thu được số tiền bất chính hơn 704 triệu đồng. Sau khi bị phát hiện, bị can đã trả lại tiền cho 3 người trở về Việt Nam và tự nguyện giao nộp cho CQĐT 230 triệu đồng đã thu từ Quang.
Dự kiến phiên tòa xét xử Liễu và đồng phạm sẽ diễn ra vào ngày 6/5.
Theo VKS, không có quy định cụ thể về việc tổ chức cho đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định một trong số nguyên nhân xảy ra vụ án do Bộ KH&ĐT chưa xây dựng quy trình, thủ tục thẩm định doanh nghiệp tham gia. Ngày 5/6/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có công văn thông báo gửi Văn phòng Quốc hội, Bộ KH&ĐT để khắc phục những thiếu sót trên. |
Màn trốn chạy ngoạn mục của ‘trùm’ đường dây đưa người trốn ra nước ngoài
Ngay khi biết vụ việc bại lộ, “trùm” đường dây đưa người trái phép ra nước ngoài là Zhu Yanhua (SN 1971, quốc tịch Trung Quốc) đã bỏ trốn sang Lào...
T.Nhung