Đầu những năm 2000, chị Vương Thị Nam Dương, một nữ nhân viên ngân hàng, về làm dâu tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì (Hà Nội). Mẹ chồng chị Dương vốn nổi tiếng là người gói bánh chưng lá mía, một đặc sản của vùng đất này.
Bánh chưng lá mía được gói theo cách truyền thống, như dùng gạo nếp ngâm lá riềng làm vỏ, đậu xanh và thịt mỡ làm nhân. Nhưng thay vì lá dong, người dân ở đây dùng lá mía để gói bánh, tạo nên một hương vị đặc biệt khác lạ. Bởi, nó lưu giữ được hương thơm của vị lá, vẹn nguyên hương sắc của bánh chưng.
Từ ngạc nhiên đến hết sức ấn tượng, chị Dương ấp ủ đem chiếc bánh chưng lá mía ấy đi xa. Nhưng mãi đến năm 2019, khi đã nghỉ việc ở ngân hàng, chị mới chính thức khởi động dự án kinh doanh bánh chưng lá mía với thương hiệu Bánh chưng lá mía Bà Chinh (tên mẹ chồng chị) kết hợp kinh doanh các loại thực phẩm khác.
Tuy nhiên, do nguồn cung lá mía có hạn, nên song song với việc làm bánh chưng lá mía, bánh chưng gói lá dong dần trở thành sản phẩm chủ đạo.
Điểm khác biệt là bánh chưng do nhà chị làm là bánh chưng thực dưỡng. Gạo được dùng là gạo nếp xát dối còn nguyên vỏ cám nên miếng bánh đậm đà vị ngọt hơn. Gia vị chỉ được dùng muối hạt xuất Nhật và tương Tamari (một loại tương xuất phát từ Nhật Bản), dấm mơ muối lâu năm (giúp dễ tiêu hoá, cân bằng axit và kiềm), những nguyên liệu này khiến bánh chưng dễ ăn hơn và không bị nóng.
“Có nhiều người chia sẻ, họ thích bánh chưng nhưng không bao giờ ăn được tới miếng thứ hai vì bị nóng cổ, khó tiêu. Thế nhưng khi dùng thử sản phẩm bánh chưng thực dưỡng của chúng tôi, họ như lấy lại “tình yêu” với chiếc bánh truyền thống thân thuộc. Thậm chí còn có thể ăn quanh năm chứ không chỉ vào dịp Tết”, chị Nam Dương chia sẻ.
Chị Dương cho biết, kể từ năm 2019 đến nay, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán gia đình chị lại cung cấp ra thị trường từ 5.000-7.000 chiếc bánh chưng. Trong năm 2021, gia đình chị ủng hộ công sức gói 5.000 chiếc bánh chưng trong vòng một tuần để mọi người gửi tặng bà con vùng dịch Hải Dương, 7.000 chiếc để mọi người gửi tặng bà con vùng lũ miền Trung.
Dịp Tết Nguyên đán 2023 này, cơ sở của gia đình chị sản xuất 7.000 chiếc bánh chưng thực dưỡng chỉ trong một tuần, từ 19 đến 26 tháng Chạp. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở thị trường chính là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, mà còn được gửi đi các tỉnh thành phía Nam.
Với giá bán từ 80.000-110.000 đồng/chiếc tuỳ loại 600g hay 1kg, chỉ riêng đợt cao điểm làm hàng Tết, gia đình chị Dương thu về hàng trăm triệu đồng doanh thu từ làm bánh.
“Bánh này giá cao hơn so với các loại bánh chưng thông thường. Giá bán buôn cho các đại lý đã ngang với giá bán lẻ ở các cửa hàng bán bánh chưng thường”, chị Dương chia sẻ.
Tuy nhiên, sản phẩm của chị chỉ bán sỉ chứ hầu như không bán lẻ. Các kênh phân phối chính của sản phẩm là hệ thống các cửa hàng thực phẩm. Một số khách quen còn đặt cả nghìn chiếc để làm quà Tết, nhưng phải báo trước Rằm tháng Chạp. Thậm chí, một số nhà phân phối đặt vấn đề tiêu thụ nhưng chị chưa dám nhận lời vì không thể làm kịp.
Để sản xuất một số lượng bánh chưng lớn như vậy, nhưng nhân lực gói bánh đều là các thành viên trong gia đình. Căn nhà của gia đình chị ở Ecopark cũng chính là “đại bản doanh”.
“Điều may mắn là 'tứ đại đồng đường' nhà tôi cùng tham gia gói bánh, tất cả đều có thể được gọi là nghệ nhân, không cần dùng khuôn nhưng bánh vẫn vuông vức, chắc chắn. Thậm chí, chồng và con trai cả tôi có thể gói xong một chiếc bánh chỉ trong một phút. Mỗi người có thể gói từ 50-60 chiếc bánh chưng chỉ sau một giờ đồng hồ”, chị Dương cho hay.
Nếu các thành viên trong gia đình phụ trách gói và luộc bánh, riêng khâu chuẩn bị nhân bánh đích thân chị đảm nhận. Quá trình chuẩn bị nhân rất cầu kỳ. Nhân bánh chưng dưỡng sinh bao gồm thịt lợn ngon, đậu xanh, hạt lạc, hạt điều, hạt dẻ, đậu gà, đậu đỏ, hạt kê nếp, nước tương Tamari lâu năm, hạt tiêu chín rụng, muối khoáng, rong phổ tai, tương nếp cổ truyền, dấm mơ muối lâu năm, nước lá riềng (tạo màu xanh tự nhiên và mùi thơm cho bánh, giúp dễ tiêu hoá). Tất cả được phối trộn theo một tỷ lệ cân bằng.
Nhân bánh chưng truyền thống gồm: thịt lợn sạch, đậu xanh được tẩm gia vị và chế biến kỳ công để ra được hương vị mộc mạc ngày xưa. Lá dong gói bánh rửa bằng hỗn hợp enzyme, giúp sạch vi khuẩn, nấm mốc trên lá, giúp bảo quản bánh được lâu hơn, khi bóc không bị nhớt, dính.
Chị Dương tâm sự, hơn cả một công việc đơn thuần, làm bánh chưng là cơ duyên tuyệt vời, một cầu nối vô hình giữa cha mẹ và các con. Mai đây, các con chị có thể không nối nghiệp gia đình làm bánh, nhưng những hạt giống của sự tần tảo sớm hôm, của sự sẻ chia khăng khít sẽ “nảy mầm” trong tâm hồn con trẻ, lưu giữ đến mai sau.
Bất ngờ với những loại bánh chưng độc lạ ở Việt Nam
Bên cạnh bánh chưng truyền thống với nhân thịt lợn và đỗ xanh, thị trường Tết 2022 xuất hiện nhiều loại bánh chưng độc đáo, mới lạ cả về hình thức lẫn hương vị như bánh chưng nhân thịt cua, bánh chưng nhân cá kho.
Ở núi đá Đồng Văn bán bánh chưng xuyên Việt, tận Bình Phước ship chuối qua Hà Lan
Chỉ 45 phút livestream bán hàng qua phiên “Chợ đêm trên mây”, HTX đã nhận được đặt hàng với 1.000 chiếc bánh chưng đặc sản của cao nguyên đá Đồng Văn.