Mỗi năm, gần đến Tết, chị Viên Dũ lại bày mực nhũ vàng, giấy đỏ để viết liễn, câu chúc.

Nghề gia truyền

Bắt đầu từ 8h sáng, chị Lương Viên Dũ (43 tuổi, Quận 5, TP.HCM) cùng em trai Lương Triều Minh (33 tuổi) bày giấy đỏ, mực nhũ vàng để viết liễn Tết, câu chúc may mắn cho người cần. Cả hai ngồi trong gian phòng ngập tràn những bức liễn được viết bằng mực nhũ vàng trên nền giấy hồng điều đỏ rực.

Đây là nghề tay trái của chị Viên Dũ. Thế nhưng chị đã có 20 năm kinh nghiệm và là thế hệ thứ ba của gia đình chuyên viết liễn, câu chúc may mắn ngày Tết.

Chị chia sẻ: “Gia đình tôi viết liễn, câu chúc Tết bằng chữ Hán từ thời ông nội. Sinh thời, ông không làm quan nhưng yêu chữ và thích luyện thư pháp. Sau này, ông truyền lại cho ba tôi. Hàng năm, khi Tết đến, ba tôi cũng bày bút nghiên, trải giấy viết liễn, câu chúc.

Từ khi 9 tuổi, tôi đã đứng bên cạnh, mài mực cho ba. Cứ thế, tôi đam mê rồi được ông truyền dạy nghệ thuật thư pháp gia truyền. Tôi tập từng nét một. Khi thành thạo, nét chữ có hồn mới học ghép lại thành chữ hoàn chỉnh”.

Chị Viên Dũ là thế hệ thứ 3 của gia đình chuyên viết liễn, câu chúc Tết.

Tuy vậy, chị Viên Dũ cũng phải mất một thời gian dài luyện tập mới lĩnh hội được nghệ thuật thư pháp gia truyền và đủ tự tin viết liễn Tết. Bởi, công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng lại có những yêu cầu đặc biệt.

Ngoài việc chữ viết phải đẹp, trang nghiêm, hài hòa, những câu liễn, lời chúc trên giấy hồng điều của chị còn phải thể hiện được đặc trưng thư pháp gia đình. Đó là mỗi chữ, mỗi nét phải có hồn, thể hiện được quy luật âm dương, cương nhu hòa quyện.

Chị nói: “Tôi thường viết liễn, câu đối, lời chúc… bằng chữ Hán theo mong muốn của từng gia chủ. Trên liễn thường thể hiện những câu đối mang thông điệp tốt lành như: Sinh ý hưng long; Nhân hòa an khang; Tài lộc lâm môn…

Chị Viên Dũ và Triều Minh kế thừa nghệ thuật viết liễn, câu chúc Tết thư pháp từ gia đình.

Liễn, câu đối… được gia chủ treo trong nhà, ở những vị trí trang trọng với ý nghĩa cầu may mắn, đón tài lộc... Do đó, chữ viết phải đẹp, nghiêm ngắn và có hồn. Cái hồn ấy đến từ sự trân trọng, tâm nguyện của người viết, mong muốn người nhận chữ luôn gặp may mắn, thành công”.

Giữ hồn văn hóa

Là truyền nhân gia đình viết liễn Tết có tiếng của Sài Gòn xưa, chị Viên Dũ, Triều Minh có một lượng khách hàng đông đảo. Ngoài lượng khách đã đặt trước, cả hai còn trực tiếp viết cho khách đến cửa hàng xin chữ.

Mỗi ngày, cả hai bắt đầu viết liễn từ 8h sáng đến 21h đêm. Để kịp phục vụ khách hàng, chị phải huy động thêm người nhà đến hỗ trợ.

Dù còn khá trẻ nhưng Triều Minh được đánh giá là người có bút lực rất ấn tượng. 

Anh Triều Minh cho biết: “Tôi luyện thư pháp từ nhỏ. Ngày thường, tôi vẫn viết chữ, cho chữ. Tuy nhiên, dịp cuối năm là tất bật nhất. Dịp này, chúng tôi viết liên tục đến 30 Tết mới nghỉ. Mỗi ngày trung bình tôi viết khoảng 3000 câu chúc, liễn Tết, câu đối các loại”.

Ngoài việc viết liễn, lời chúc, câu đối Tết bằng chữ Hán, tùy theo yêu cầu của khách hàng, Triều Minh còn có thể viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh. Tuy nhiên, các chữ viết của anh dù là chữ Hán hay tiếng Việt, tiếng Anh đều rất đẹp, có hồn.

Có ngày vì quá đông khách, chị Viên Dũ cùng em trai viết nhiều đến nỗi đôi tay tê mỏi. Tuy vậy, cả hai vẫn không cho phép mình làm việc một cách sơ sài, cẩu thả. Bởi, ngoài việc phải làm hài lòng khách hàng, chị Viên Dũ, Triều Minh đã xem công việc này như một cách giữ gìn nét đẹp văn hoá xưa.

Dịp cuối năm, mỗi ngày Triều Minh viết khoảng 3000 bức liễn, câu đối, lời chúc Tết.

Chị Viên Dũ chia sẻ: “Viết liễn, câu đối Tết là nghề tay trái của chúng tôi. Tuy vậy, năm nào gia đình tôi cũng viết vì muốn giữ gìn nét văn hóa đẹp này.

Không chỉ chị em tôi mà ba tôi dù đã 80 tuổi vẫn cầm bút viết liễn vào mỗi dịp Tết. Ngay bây giờ, chúng tôi cũng đang dần truyền nghề cho con, cháu trong gia đình để sau này, nét đẹp văn hóa viết liễn, câu đối Tết không bị mai một”.