Sự việc đau lòng xảy ra với vợ chồng anh T.V.C và chị T.T.N.Q, trú tại xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội.

Ngày 27/10 vừa qua, con trai thứ 2 của vợ chồng anh C. là cháu T.C.V., 5 tuổi sốt ngày 38,5 độ kèm theo đau bụng nhưng chỉ ở nhà, không điều trị. Sáng sớm ngày 28/10, gia đình đưa bé V. vào BV Nhi TƯ để khám và điều trị.

Dù được điều trị tích cực nhưng đến 21h ngày 31/10, bệnh nhi tử vong tại BV Nhi TƯ với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết.

Bệnh nhi được lấy mẫu máu xét nghiệm ngày 30/10, đến ngày 1/11 có kết quả nuôi cấy, xác định trẻ dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây bệnh Whitmore.

{keywords}

Cháu H. khi được điều trị tích cực tại BV Nhi TƯ vào tuần trước

Nỗi đau chưa nguôi ngoai, ngày 10/11, cậu con trai út của anh chị là bé T.Q.H., 19 tháng tuổi lại sốt 38,5 độ. Ngay ngày hôm sau, gia đình đưa con đến BV Nhi TƯ cấp cứu.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, khi đến cấp cứu, trẻ vẫn tỉnh táo, sốt, thỉnh thoảng rét run, được chuyển thẳng vào khoa Điều trị tích cực. Sau khi được điều trị kháng sinh, tình trạng trẻ có cải thiện nhưng 3 – 4 ngày sau tái trở lại rồi chuyển nặng, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn và tử vong vào ngày 16/11 vừa qua.

Trong quá trình điều trị, kết quả cấy máu cho thấy trẻ dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.

Ngay sau đó phía BV đã báo cáo ca bệnh với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội.

PGS Điển cho biết, các kết quả kiểm tra hệ miễn dịch, chức năng bạch cầu hạt của bệnh nhi H. đều trong giới hạn bình thường, tức không có bệnh lý bất thường, tuy nhiên các kết quả sâu hơn liên quan đến gene, BV chưa tiếp cận.

TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực, BV Nhi TƯ cho biết thêm, ngay khi cháu V. tử vong, BS đã lưu ý gia đình cần cho cháu còn lại đi kiểm tra sức khoẻ ngay, khi thấy có dấu hiệu bất thường hoặc tương tự cháu V. cần đưa thẳng đến BV Nhi TƯ.

Khi cháu H. nhập viện, do đã biết trước bệnh sử của gia đình nên bác sĩ đã lập tức cho sử dụng kháng sinh mạnh kết hợp thuốc tăng cường miễn dịch. Tình trạng của trẻ sau đó giảm nhưng 3-4 ngày sau, bạch cầu giảm rất nhanh chỉ còn vài trăm, trẻ rơi vào tình trạng suy đa tạng, nguy kịch, không thể cứu được.

Theo TS Tuấn, trong suốt 30 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên gặp 2 ca bệnh whitmore liên tiếp trong cùng một gia đình.

Trước đó vào đầu tháng 4 vừa qua, chị gái của 2 bé V. và H. là cháu T.Q.T., 7 tuổi cũng đã tử vong tại BV Xanh Pôn do nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột. Cháu T. cũng có biểu hiện ban đầu là sốt cao.

Hiện tại, phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội đã về địa phương để điều tra dịch tễ. Trước mắt hướng dẫn gia đình thực hiện ăn chín, uống sôi và sử dụng nước máy.

Trước đó nhiều tỉnh như Nghệ An, Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Tĩnh... cũng đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh Whitmore. Tuy nhiên bệnh này không gây thành dịch, không lây trực tiếp lây từ người qua người, vì vậy người dân không nên quá lo lắng.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei thường được tìm thấy trong nước bẩn, đất, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn ô nhiễm (như hít phải bụi nhiễm vi khuẩn hay khi tiếp xúc với đất bị ô nhiễm qua các vết trầy xước ngoài da).

Thúy Hạnh

Whitmore xuất hiện ở nhiều tỉnh, những ai dễ mắc bệnh?

Whitmore xuất hiện ở nhiều tỉnh, những ai dễ mắc bệnh?

- Nhiều tỉnh đã ghi nhận bệnh nhân mắc whitmore. Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.