Nhịp cầu nối quê hương
Việc giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam qua các thế hệ con cháu là vấn đề được nhiều tổ chức và gia đình ở Hungary quan tâm.
Thế hệ trẻ người Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Hungary dễ dàng hoà nhập với các sinh hoạt, văn hoá của nước sở tại. Tuy nhiên, các gia đình người Việt ở đây vẫn luôn mong muốn con em mình duy trì được tiếng Việt và giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong gia đình. Bởi, với những thế hệ người Việt sinh ra, lớn lên ở nước ngoài thì tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ mà còn là nhịp cầu quê hương.
Hơn 10 năm qua, với sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị tiếng Việt, Trung tâm tiếng Việt Budapest đã mở các lớp dạy tiếng Việt cho con em kiều bào.
Mỗi năm, số lượng học sinh đến trung tâm học tiếng Việt càng tăng, các em được chia ra các lớp học khác nhau phù hợp theo lứa tuổi và trình độ của từng người. Theo đó, cũng có lớp cho những em nhỏ tuổi ở lứa tuổi mẫu giáo, đến trung tâm học để làm quen với chữ cái và các âm dấu trong tiếng Việt qua các trò chơi, bài hát…; các lớp lớn hơn giành cho các em đã nghe, nói và đọc, hiểu được tiếng Việt, ngoài ra, học sinh ở trung tâm cũng được học thêm về các phong tục tập quán, văn hoá Việt qua các bài đọc hiểu…
Hưởng ứng ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (8/9), Trung tâm tiếng Việt Budapest đã tổ chức Ngày hội tiếng Việt và lễ khai giảng năm học 2023-2024.
Những hoạt động trong ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2023 ở Hungary.
Tham gia buổi lễ có Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary, ông Lê Trọng Hà, cùng các thầy cô giáo, phụ huynh và gần 60 học sinh, con em cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập ở Hungaria.
Tại sự kiện, ông Lê Trọng Hà vui mừng cùng đón chào các em học sinh đến dự khai giảng năm học mới; đồng thời ông tự hào chia sẻ, ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang dần trở thành một cột mốc quan trọng trong đời sống của bà con cộng đồng kiều bào, đặc biệt ghi dấu ấn với các trẻ em Việt Nam ở Hungaria ngày càng yêu thích tiếng Việt, qua đó giúp duy trì tiếng Việt. Ông Hà cũng khẳng định, đây là biện pháp hữu hiệu nhất để giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, xây dựng tình yêu, niềm tự hào về quê hương đất nước.
Đội ngũ thầy, cô giáo ở trung tâm cũng rất tâm huyết, với nghiệp vụ sư phạm được đào tạo qua các khóa tập huấn do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức nhưng với tình yêu thương học sinh sâu sắc, với tâm niệm vì tương lai con em của kiều bào, cũng như tình yêu quê hương đất nước và dân tộc, vì thế, các thầy, cô giáo nơi đây luôn tự nguyện dạy học cho các lớp trẻ là con, cháu người Việt.
Đội ngũ giáo viên nơi đây luôn đóng vai trò nòng cốt trong việc giữ gìn và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Hungary với các hoạt động có ý nghĩa trong hơn 10 năm qua. Đồng thời đã kiên trì, bền bỉ, nỗ lực xây dựng, phát triển trung tâm ngày càng mở rộng.
Số lượng học sinh ở trung tâm ngày càng tăng. Năm 2023, số lượng học sinh đăng ký theo học tiếng Việt đã lên hơn 80 học sinh, trong khi năm 2022 trung tâm mới chỉ có 64 học sinh. Dự kiến, số lượng học sinh sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa trong thời gian tới với sự ủng hộ nhiệt tình của các vị phụ huynh và bà con trong cộng đồng người Việt ở Hungary.
Nhiều học sinh sau khi tham gia các khóa học tiếng Việt tại trung tâm đều có thể đọc thông, viết thạo và sử dụng tốt ngôn ngữ mẹ đẻ. Bản thân các em sau đó tham gia tích cực vào công tác lan tỏa, duy trì tiếng Việt trong cộng đồng cũng như đưa tiếng Việt đến với bạn bè quốc tế.
Xây dựng tủ sách tiếng Việt ở nước ngoài Năm 2023, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức và vận hành thí điểm các tủ sách tiếng Việt, nhằm cung cấp sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Và Hungary là địa bàn đầu tiên tại châu Âu được triển khai xây dựng tủ sách. Vấn đề tài liệu, sách giáo khoa phục vụ giảng dạy, học tập tiếng Việt là một trong những vấn đề mấu chốt ảnh hưởng tới chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Do đó, việc xây dựng tủ sách tiếng Việt sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học tiếng Việt của bà con, góp phần quan trọng để các thế hệ kiều bào trẻ tại Hungary trau dồi kiến thức tiếng Việt, nhớ về cội nguồn, hiểu rõ hơn về quê hương Việt Nam. |
Gia đình – Nôi bảo tồn văn hóa Việt
Có thể thấy, nhờ những nỗ lực của cộng đồng người Việt Nam tại Hungary mà con em của họ, dù cách Vệt Nam xa xôi nhưng vẫn duy trì được tiếng Việt, hiểu về cội nguồn bản sắc, văn hóa Việt Nam, qua những bài giảng tiếng Việt gần gũi, thân thương.
Bên cạnh các lớp học, mỗi gia đình người Việt ở nơi đây chính là cái nôi bảo tồn văn hóa dân tộc. Các em không chỉ được giao tiếp với cha mẹ, người thân bằng tiếng Việt mà còn học được những nét văn hóa Việt qua các ngày lễ, tết, sinh hoạt thường ngày.
Chàng trai Phan Việt Dũng (SN 2003) có 12 năm là học sinh giỏi xuất sắc ở trường ELTE Radnoti Miklos và đạt được nhiều giải thưởng về toán học ở Hungary. Nhiều năm liền Dũng được Đại sứ quán Việt Nam ở Hungary tặng bằng khen. Ngoài thành tích học tập đáng nể, chàng trai sinh năm 2003 cũng tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng người Việt ở đất nước này.
Hè năm 2023, Dũng cùng các bạn có dịp trở về Tổ quốc để tham gia các hoạt động xã hội ý nghĩa, tìm hiểu thêm về quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Mặc dù sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, ít có cơ hội về thăm quê nhưng khả năng nói tiếng Việt của Dũng khá trôi chảy.
“Em nói được tiếng Việt tốt cũng là nhờ bố mẹ dạy từ nhỏ và được các thầy, cô ở lớp dạy tiếng Việt kèm cặp. Bố mẹ em vẫn luôn nói rằng, tiếng Việt là gốc gác của mình, mình không được quên. Vì vậy, khi nào em đi học hoặc khi giao tiếp với người bản địa thì em mới nói tiếng Hungary.
Em nghĩ rằng, thời gian học tiếng Việt ở trường chưa đủ, nếu như không có môi trường gia đình thì khả năng giao tiếp tiếng Việt sẽ bị hạn chế hơn.
Mẹ em đã dạy em tiếng Việt qua văn hóa ẩm thực. Mỗi bữa ăn hằng ngày của gia đình, mẹ thường nấu và giới thiệu các món ăn của Việt Nam cho cả gia đình cùng thưởng thức như: Phở bò, bún đậu mắm tôm, giò chả, cá kho, thịt kho, canh cua… Nhờ đó, không những em biết được khá nhiều món ăn của Việt Nam mà còn hiểu được nét văn hoá ẩm thực của từng vùng, miền thông qua các món ăn”, Dũng kể.
Trong khi đó, chàng trai Trần Hiển Long (SN 2006) chia sẻ, song song với giao tiếp tiếng Việt hàng ngày, mẹ Long hay dạy anh em Long về thơ ca tiếng Việt, lịch sử tiếng Việt. Bà thường nhờ người thân mua sách, truyện tiếng Việt gửi sang để anh em Long có tư liệu đọc và học thêm từ vựng.
Kỳ nghỉ hè năm 2023 của Trần Hiển Long ở Việt Nam.
Gia đình Long có một quy tắc bất di bất dịch, đó là khi về nhà, cả nhà phải giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt. Nếu Long muốn hỏi gì thì phải nói bằng tiếng Việt, nếu nói tiếng khác mẹ sẽ không trả lời.
Vào các kỳ nghỉ hè, mẹ Long sẽ cố gắng mua vé cho Long về Việt Nam để tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Việt.
Long khẳng định, khi mình giữ được tiếng nói, giao tiếp được với mọi người bằng tiếng Việt, đó cũng chính là ý thức giữ được văn hóa dân tộc.
“Chuyến về Việt Nam năm nay, em được đi thăm rất nhiều địa chỉ đỏ của Việt Nam như: Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; mộ 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc; cầu Hiền Lương; địa đạo Vịnh Mốc… Tất cả những nơi này em đều đã từng đọc trong sách, hoặc qua những câu chuyện mẹ kể.
Trong chuyến đi này, được trực tiếp đến những nơi này, em thấy vui vì tự giới thiệu cho một số bạn trong đoàn bằng tiếng Việt.
Nhờ những câu chuyện về lịch sử, những tấm gương hy sinh anh dũng của các cô, chú thế hệ trước, đã thôi thúc em phải học tiếng Việt nhiều hơn để được biết về đất nước mình nhiều hơn. Và mỗi khi giới thiệu về mình với bạn bè hay người nước khác, mình lại tự hào giới thiệu về đất nước mình, dân tộc mình”, Long bộc bạch.
Có thể thấy, vai trò của gia đình trong việc dạy và phát triển tiếng Việt ở nước ngoài nói chung và tại Hungary nói riêng rất quan trọng. Qua đó, tiếng Việt sẽ giúp cho mỗi người Việt luôn gắn bó tình cảm của mình với quê hương.