Mới đây, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nơi đây vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bỏng điện, hoại tử nặng. Sự thành công này có yếu tố quan trọng từ hệ thống kính vi phẫu hiện đại vừa được áp dụng.
Theo đó, bệnh nhân là anh N.V.P. (26 tuổi) bị bỏng điện khi đang làm công trình. Bác sĩ xác định anh bị bỏng 21% vùng thân, 2 tay và chân trái, bỏng độ 3 và 4 chiếm 8%. Bàn tay trái hoại tử rất sâu, một ngón của bàn tay phải bị cắt bỏ.
Ê-kip đã sử dụng kính vi phẫu trong ca phẫu thuật chuyển vạt da vùng đùi, ghép và nối mạch máu nuôi nhằm giữ lại bàn tay. Sau 10 ngày, bàn tay anh đã cử động được. Anh P. thoát cảnh tàn phế.
Theo bác sĩ Ngô Đức Hiệp, trước đây để phẫu thuật chuyển vạt da, nối ghép mạch máu cho bệnh nhân bỏng nặng, bác sĩ phải dùng kính lúp. Do độ phóng đại thấp, thực hiện khó khăn, có thể xảy ra nguy cơ tắc mạch, hoại tử vạt sau mổ. Bàn tay có thể không giữ được chức năng cầm nắm, nguy cơ đoạn chi, khiến tâm lý người bệnh rất dễ bị suy sụp.
Tuy nhiên, nếu phẫu thuật với hệ thống kính vi phẫu, hình ảnh sẽ được phóng đại lên nhiều lần và sắc nét hơn. Phẫu thuật viên sẽ thao tác chính xác, kết quả sau mổ khả quan hơn rất nhiều.
Theo bác sĩ Hiệp, thời gian qua, họ đã mong muốn có hệ thống vi phẫu để tăng cơ hội phục hồi trọn vẹn cho người bệnh. Nhưng giá máy rất cao, nếu muốn mua cũng phải đáp ứng rất nhiều quy định của pháp luật và ngành y tế.
Trong khi đó, việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế hiện đang rất khó khăn. Ngay cả tại Bệnh viện Chợ Rẫy, dù là bệnh viện hạng đặc biệt cũng không tránh khỏi tình hình này.
Cơ duyên đưa bác sĩ Ngô Đức Hiệp gặp một nhà hảo tâm, là con của một bệnh nhân từng điều trị tại Khoa Phỏng – Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy.
"Giai đoạn nằm viện, người cha được y bác sĩ điều trị bỏng rất tận tình. Mặc dù ông cụ không qua khỏi nhưng gia đình cảm nhận được sự tận tình đó cũng như công việc, khó khăn của nhân viên y tế.
Con trai bệnh nhân là chủ một công ty thủy sản. Khi biết chúng tôi vẫn còn thiếu thốn máy móc quan trọng, anh ấy đã giúp đỡ. Chỉ 6 tháng sau, hệ thống kính vi phẫu do Đức sản xuất, có giá lên đến 2,85 tỷ đồng đã được anh ấy tài trợ cho khoa", bác sĩ Hiệp chia sẻ.
Theo bác sĩ Hiệp, máy móc, trang thiết bị rất cần thiết với bác sĩ, nhất là trong điều trị kỹ thuật cao. Đây là yếu tố quan trọng để phẫu thuật viên nâng cao trình độ, theo đuổi đam mê và bám trụ với nghề.
Trước đó, ngày 25/8, tại cuộc gặp gỡ với Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã bày tỏ nhiều tâm tư. Trong 8 tháng, 77 nhân viên của bệnh viện này đã nghỉ việc, chủ yếu để chuyển sang y tế tư nhân.
Bác sĩ Bùi Phú Quang, Chủ tịch công đoàn bệnh viện cho hay, tất cả y bác sĩ đều muốn gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy, được làm việc trong điều kiện tốt, phát triển chuyên môn, chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, một trong những trăn trở khiến họ khó lòng gắn bó chính là máy móc.
Theo bác sĩ Quang, bệnh viện hiện chỉ đáp ứng những trường hợp mang tính khẩn cấp, còn khoảng 80% nhu cầu máy móc của các khoa chưa được giải quyết.