Tôi năm nay 42 tuổi, là tay hòm chìa khóa của gia đình. Nói vui thì ngoài công việc ở công ty, tôi cũng có 17 năm làm nội trợ, lo chi tiêu sinh hoạt cho cả gia đình. Thế nhưng, mấy tháng nay tôi cảm thấy thật sự khó khăn, áp lực. Bởi, các khoản chi phí sinh hoạt không ngừng tăng lên, khoản tiền tiết kiệm hàng tháng của gia đình ngày một teo tóp.
Nói thật, tôi thấy nhiều người chia sẻ họ sống ở thủ đô mà mỗi tháng chỉ tiêu hết vài triệu đồng, hay hết khoảng 10-15 triệu đồng mà thấy khâm phục.
Gia đình tôi cũng ở Hà Nội, thậm chí còn ở vùng ngoại thành, chi phí sinh hoạt rẻ hơn trong khu vực nội thành. Vậy mà mấy tháng nay gần như tháng nào cũng tiêu hết sạch số tiền vợ chồng tôi kiếm được.
Hiện vợ chồng tôi đều có công việc ổn định, tổng thu nhập được khoảng 35 triệu đồng/tháng. Trước kia, gia đình tôi chỉ tiêu hết khoảng 20 triệu hoặc hơn một chút tùy vào mỗi tháng, tiết kiệm được khoảng 15 triệu đồng.
Gia đình 4 người nhà chị Ánh một tháng tiêu hết 30 triệu đồng mà vẫn còn phải tiết kiệm, cắt giảm nhiều khoản (ảnh minh hoạ) |
Song, khoảng 4 tháng nay, số tiền chi tiêu sinh hoạt đội lên khá cao. Đặc biệt là mặt hàng thịt lợn giá đắt gấp đôi kéo theo hàng hóa dịch vụ khác rủ nhau tăng giá hàng loạt. Ăn bát bún chả thấy tăng lên thêm 10.000 đồng/bát, ăn cái bánh bao cũng phải trả thêm 5.000 đồng. Đến mức đi rửa xe máy trước hết 20.000 đồng thì nay cũng tăng lên 25.000 đồng. Hàng cắt tóc cũng tăng thêm 10.000 đồng,...
Ngày trước, thời thịt lợn chưa tăng giá, đi chợ chỉ cần mua khoảng 100.000 tiền thịt là đủ chia 2 bữa trưa và tối. Giờ 100.000 đồng chỉ đủ ăn một bữa. Vào siêu thị mua hộp sườn lợn 100.000 đồng được chưa đầy 10 miếng sườn, về chỉ đủ 2 đứa con ăn, còn vợ chồng tôi ngồi nhìn. Đấy là chưa kể, tiền rau dịp này cũng đắt đỏ.
Hai tháng vừa qua, tôi ghi nhật ký chi tiêu phát hoảng khi cộng lại hết khoảng 9 triệu đồng/tháng tiền ăn cho gia đình 4 người (mỗi ngày hết 300.000 đồng cho bữa trưa và tối tính cả tiền thức ăn, gạo, gia vị). Bữa sáng 4 thành viên trong gia đình hết khoảng 1,5 triệu đồng.
Ngoài ra còn tiền điện, nước, tiền vệ sinh thu gom tác, tiền Internet, truyền hình, cước điện thoại của cả gia đình hết khoảng 2,4 triệu đồng. Tiền học thêm của cậu con trai học lớp 6 và cô con gái học lớp 10 hết 5 triệu đồng. Tiền sách vở, đồ dùng học tập, tiêu vặt... tham gia các câu lạc bộ giải trí của các con hết 2 triệu đồng.
Tiền xăng xe máy cộng sửa chữa mỗi tháng hết 1 triệu đồng (2 xe máy, cơ quan lại cách xa nhà khoảng 20-25km do nhà ở ngoại thành). Tiền xăng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa mỗi tháng trung bình hết 2,5 triệu đồng vì cuối tuần cả nhà thường về quê hoặc thỉnh thoảng đi khi trời mưa rét.
Ngoài ra, tiền ma chay hiếu hỷ hết khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Tiền quà cáp về quê biếu bố mẹ 2 bên hết khoảng 1 triệu đồng/tháng. Tiền mua sắm quần áo, thuốc men ốm đau hết khoảng 2 triệu đồng. Tháng rồi khoản tiền khẩu trang y tế, nước rửa tay khô sát khuẩn ngừa dịch bệnh hết khoảng 500.000 đồng.
Số tiền dư ra chỉ còn 5 triệu đồng để tiết kiệm, thay vì 15 triệu đồng như trước kia.
Đó là chưa kể, mấy tháng gần đây gia đình tôi còn không đi ăn nhà hàng, cắt luôn khoản đi xem phim, cà phê, hạn chế giao lưu bạn bè,... chứ không thì 35 triệu sẽ tiêu sạch bách.
Tháng 3 này, tôi dự tính số tiền chi tiêu còn nhiều hơn. Bởi, có tới 6 đám cưới cần đi, tiền mừng cũng hết khoảng 3 triệu đồng.
Mấy tháng nay, tiêu hết nhiều tiền khiến không khí gia đình lúc nào cũng trong tình trạng “cơm không lành canh chẳng ngọt”. Thi thoảng vợ chồng lại lời qua tiếng lại vì cứ đà tiêu này thì kế hoạch sửa nhà cho bố mẹ ở quê sẽ khó thực hiện.
Tôi đang cố gắng ngồi tính toán cắt khoản này giảm khoản kia mà. Bởi, không thể làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Tối thiểu cũng phải tiết kiệm lấy vài triệu đồng để còn phòng ngừa rủi ro lúc ốm đau bệnh tật. Vậy mà càng ngồi tính toán càng bế tắc, thấy giảm khoản nào cũng khó.
Các bạn có thể cho tôi lời khuyên làm sao để giảm bớt các khoản chi tiêu trong gia đình xuống mức thấp hơn để vượt qua thời kỳ “bão giá” này không?
Hoàng Ngọc Ánh (Thanh Oai, Hà Nội)