Nhà bà Phạm Thị Oanh đã có 4 đời làm nước mắm truyền thống Sa Châu. Bắt đầu theo mẹ làm nghề từ khi 12 tuổi, đến nay bà Oanh đã gắn bó với nghề này gần ba chục năm.
Nhà bà Phạm Thị Oanh đã có 4 đời làm nước mắm truyền thống Sa Châu. Bắt đầu theo mẹ làm nghề từ khi 12 tuổi, đến nay bà Oanh đã gắn bó với nghề này gần ba chục năm.
Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, làng nghề nước mắm Sa Châu (Giao Thủy, Nam Định) tấp nập hơn hẳn. Bước chân vào cổng làng đã thấy mùi mắm dậy lên thơm phức, nhà nào nhà nấy chum vại, ang chậu phơi khắp trong sân ngoài vườn, cả gia đình thoăn thoắt đóng mắm vào chai, gói ghém trong thùng để kịp những chuyến hàng Tết.
Bà Oanh chia sẻ, làm mắm Sa Châu thật lắm công phu. Nước mắm phải sản xuất qua nhiều công đoạn trong hơn 2 năm để ra thành phẩm.
Theo bà Oanh, gánh đội cá về bằng các dụng cụ từ tre, không dùng thùng tôn, thùng nhựa tránh cho cá bị nhiễm mùi và mất vệ sinh. Loại muối ướp cá phải để lưu kho trên một năm cho hả bớt vị chát.
Cứ một tấn cá ướp với mười tám kilogram muối, để cá chín ngấu tự nhiên, 6 tháng sau mới cho qua rổ tre lót vải xô, vắt ra nước mắm nguyên chất.
Nước mắm truyền thống không nấu qua lửa mà được dàn đều ra các ang mỏng chừng một gang tay, ngày hong nắng, tối phơi sương thêm 6 tháng nữa. Mắm kỵ nhất nước mưa, hễ gặp nước mưa là hỏng nên người làm mắm phải ngày chờ đêm trông ròng rã trong suốt sau tháng này.
Quá trình làm mắm không hề sử dụng hóa chất, không rút ngắn thời gian phơi, thời gian để ngấu. Nước mắm truyền thống Sa Châu loại một phải sánh như mật ong, trong như hổ phách, hương thơm đặc trưng, chấm một giọt vào đầu lưỡi đã thấy ngọt từ trong cổ họng râm ran khắp người.
Đó là lí do vì sao, dù hiện nay có vô số loại mắm khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn, "người sành ăn" vẫn chọn mắm Sa Châu trong mâm cơm ngày Tết. "Nghề này tuy vất vả quanh năm, một mẻ mắm cần cả 2 năm mới có thể xuất bán nhưng cũng giúp gia đình có nguồn thu ổn định. Mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng", bà Oanh cho biết.