- Giá dầu thế giới bất ngờ tụt giảm sâu xuống mức thấp kỷ lục trong 6 năm qua sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuyên bố từ bỏ chiến lược hạn chế sản lượng để kiểm soát giá.

Trên trang Bloomberg, OPEC cho biết sẽ tiếp tục duy trì sản lượng 31,5 triệu thùng/ngày sau cuộc họp tại Vienna, gạt sang một bên con số sản lượng 30 triệu thùng mà tổ chức này đã không thể thực hiện được trong suốt 18 tháng qua.

{keywords}

Giá dầu WTI giao tháng 1/2016 đêm qua giảm 2,32 USD (tương đương giảm 5,8%) xuống 37,65 USD/thùng, xuyên thủng đáy cũ 38 USD/thùng vừa thiết lập hồi cuối tháng 8 và thiết lập đáy mới, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009.

Dầu Brent giao tháng 1 cũng giảm 2,27 USD (-5,3%) xuống 40,73 USD/thùng.

Dầu giảm không chỉ do OPEC từ bỏ chiến lược hạn chế sản lượng để kiểm soát giá mà còn do đồng USD tăng giá trước triển vọng Mỹ tăng lãi suất. Xăng và dầu diesel cũng xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Như vậy, giá dầu thô đã giảm 40% kể từ tháng 11/2014 khi mà OPEC tuyên bố giữ sản lượng để bảo vệ thị phần trước các nhà sản xuất dầu khí Mỹ. Dự trữ dầu toàn cầu đã tăng tới gần 3 tỷ thùng nhờ vào nguồn cung tăng thêm từ các nước Ả Rập, Nga và Iraq.

Trước đó, hôm 24/8, giá dầu thế giới cũng đã có một phiên giảm mạnh tương tự, gần 6% kéo giá xuống 38 USD/thùng.

Gần đây, giới đầu tư bày tỏ lo ngại, giá dầu còn xuống tiếp do nền kinh tế toàn cầu chậm lại, kinh tế Trung Quốc giảm tốc và khả năng các nước xuất khẩu dầu mỏ, trong đó có OPEC và Nga sẽ không chịu lùi bước về sản lượng do nhu cầu chi tiêu ngân sách không giảm và lo ngại thị phần bị ảnh hưởng.

Cung vượt cầu là nguyên nhân chính đẩy giá nhiên liệu này liên tục sụt giảm.

M. Hà