Điểm sáng duy nhất của ngành phần mềm
Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Giang khẳng định gia công xuất khẩu phần mềm của Việt Nam là điểm sáng duy nhất của ngành phần mềm trong suốt mấy năm qua, khi các doanh nghiệp có thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường Chính phủ bị sụt giảm mạnh doanh thu.
Theo Sách trắng về CNTT-TT mới được Bộ TT&TT công bố gần đây, trong giai đoạn 2013-2014, thứ hạng của Việt Nam hầu như ít biến động trên bản đồ CNTT-TT thế giới. Nước ta vẫn nằm trong Top 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương; TP.HCM và Hà Nội vẫn được xếp Top 20, Top 30 các thành phố hấp dẫn nhất về gia công phần mềm.
Một trong những lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam là nguồn nhân lực. Tại sự kiện Ngày CNTT Nhật Bản (Japan ICT Day) 2014 vừa qua, bà Junko Kawauchi, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của JISA cho biết doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao nguồn nhân lực từ Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản đều hài lòng về chi phí bỏ ra và chất lượng nhân sự của Việt Nam. Ngoài ra những lợi thế về gần gũi văn hóa, giá nhân công rẻ, sự ổn định về Chính trị, nguồn nhân lực cũng là yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.
Kết quả khảo sát tháng 10/2014 của VINASA với 10 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực cho thấy chi phí nhân công của Việt Nam chỉ cao hơn Buhtan, Myanmar, Lào, Campuchia một chút, và Việt Nam có sự vượt trội so với các nước này cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Chi phí nhân công của Việt Nam hiện thấp hơn 40% so với Ấn Độ và 30% so với Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong tình hình thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp hội viên VINASA cho biết nếu chỉ cạnh tranh bằng giá thì các doanh nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững được mà cần thiết phải cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt với chi phí cạnh tranh mới giúp các doanh nghiệp gia công phát triển bền vững đồng thời giúp Việt Nam giữ được năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
“Hiện SMAC (Social, Mobility, Analytic, Cloud Computing) đang là xu hướng công nghệ lớn trên thế giới. Tất cả các tập đoàn lớp, những người khổng lồ trong ngành CNTT đều đang có sự dịch chuyển dịch vụ lên nền tảng này. Đây thực sự là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi nhu cầu dịch chuyển này ngày càng lớn. Trừ các quốc gia có ngành CNTT rất phát triển, còn lại các quốc gia khác hầu như đều có sự khởi đầu như nhau, cơ hội như nhau với SMAC. Các doanh nghiệp Việt Nam cần thiết phải trang bị năng lực cho mình trong lĩnh vực công nghệ mới này để có thể nắm bắt cơ hội này để vượt lên”, bà Nguyễn Thị Thu Giang nhận định.
Yếu tố quan trọng của một nước mạnh về CNTT-TT
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, hoạt động gia công phần mềm có thể nói là một trong những yếu tố quan trọng, đóng góp vào tiến trình Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Bởi các doanh nghiệp có thể tiếp tận những công nghệ mới, xu hướng mới của thế giới, tiếp xúc và trở thành đối tác của những tập đoàn, công ty hàng đầu, qua đó tích lũy được kinh nghiệm cũng như phán đoán được sự thay đổi, biến động của thị trường CNTT. Từ đó có những góp ý cho Chính phủ trong việc đưa ra những chính sách góp phần thúc đẩy CNTT-TT. Còn một yếu tố nữa, thông qua hoạt động gia công phần mềm, các doanh nghiệp Việt Nam tạo được uy tín và cũng được tham gia vào quá trình xây dựng, sản xuất những phần mềm hoàn thiện, được đối tác đánh giá cao, từ đó nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới.
“Nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh doanh, từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp gia công phần mềm tại Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết và chia sẻ. Tôi lấy ví dụ như các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC), mỗi khi có một đơn hàng lớn, các doanh nghiệp thường có các hợp tác giữa các thành viên khác trong Câu lạc bộ”, bà Nguyễn Thị Thu Giang cho biết thêm.
Cũng theo chia sẻ của đại diện VINASA, trong nhiều năm qua, VINASA luôn ý thức được vai trò kết nối của mình đối với các doanh nghiệp hội viên. Với uy tín quốc tế của mình, VINASA đã thường xuyên tổ chức những đoàn xúc tiến thương mại đến các quốc gia, vùng lãnh thổ có tiềm năng trở thành đối tác gia công như châu Âu, Mỹ, Nhật… Bên cạnh đó, còn thường xuyên tổ chức những sự kiện mang tính thúc đẩy hợp tác như Ngày CNTT Nhật Bản tại Việt Nam, Ngày CNTT Việt Nam tại Nhật Bản, Hội nghị gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam…
Gần đây nhất, VINASA đã triển khai chương trình “30 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam” với mục đích quảng bá, giới thiệu những doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực CNTT của Việt Nam ra với bạn bè quốc tế tại 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Nhật Bản là một trong những thị trường có mức độ chi tiêu CNTT lớn nhất thế giới và cũng là thị trường trọng điểm của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Theo khảo sát vào tháng 10/2014 của VINASA về các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm và dịch vụ của Việt Nam cho thị trường Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ thị trường Nhật Bản năm 2013 trung bình là 41%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành CNTT Việt Nam là 12%.
Thị trường Mỹ và Châu Âu cũng là hai thị trường rất quan trọng của ngành phần mềm Việt Nam. Trong vài năm trở lại đây, doanh thu của các doanh nghiệp hội viên VINASA trên các thị trường này có tăng trưởng khá tốt, đặc biệt có doanh nghiệp tăng trưởng liên tục 200% trong suốt 4 năm qua.