Các lập trình viên công ty Vietsoftware. Ảnh: Thanh Hải

Gia công phần mềm tìm cách bắt “cá lớn”

BĐVN - Việt Nam muốn đạt kim ngạch xuất khẩu phần mềm bằng 40% của 800 triệu đến 1 tỷ USD vào năm 2010 phải tìm được khách hàng lớn.

Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm (VINASA), năm 2006, tổng doanh số xuất khẩu của ngành phần mềm Việt Nam đạt 110 triệu USD, chiếm khoảng hơn 30% doanh số 350 triệu USD của toàn ngành phần mềm.

Làm thế nào để giảm khoảng cách giữa thực tế và mục tiêu gia công xuất khẩu phần mềm cũng chính là trọng tâm của Hội thảo sản xuất gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam năm 2007 do Bộ Bưu chínhViễn thông và Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức trong tuần qua.

Mồi nhỏ, bắt cá nhỏ

Dù được kỳ vọng và có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng cho đến thời điểm này lĩnh vực gia công phần mềm của Việt Nam vẫn phát triển rất chậm chạp.

VINASA cho biết cả nước hiện có khoảng 700 doanh nghiệp làm phần mềm, phần lớn quy mô vừa và nhỏ.

Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá:

Bộ BCVT mong muốn được nghe những kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước về các vướng mắc cần tháo gỡ, các cơ chế, chính sách, giải pháp cần triển khai nhằm tạo điều kiện tối đa cho ngành công nghiệp phần mềm phát triển đúng với tiềm năng của đất nước và con người Việt Nam.

Doanh nghiệp gia công phần mềm cho nước ngoài hiện chỉ có FPT là 2.000 người và một vài doanh nghiệp có trên 500 người và phổ biến là vài chục người. Đại diện nhiều doanh nghiệp phần mềm thừa nhận cả thị trường với gần bảy năm phát triển chỉ có một công ty quy mô hơn 2.000 người là điều khó chấp nhận được.

Ngay cả các doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn với Việt Nam đa phần là những công ty nhỏ hoặc chỉ thực hiện những việc nhỏ. Theo ông Trần Lương Sơn, Giám đốc Công ty phần mềm Việt (VietSoftware), từ quy mô nhỏ vài chục người như hiện nay muốn phát triển lên quy mô hàng ngàn người đòi hỏi thời gian rất lâu.

Lý giải sự phát triển chậm chạp của ngành gia công phần mềm Việt Nam, ông Trần Lương Sơn cho rằng các doanh nghiệp không có chiến lược rõ ràng với việc gia công với nước ngoài. Các công ty đi theo cơ hội mang tính chất nhỏ, chưa nhắm đến những công ty có ảnh hưởng lớn đến thị trường để tìm cơ hội cho mình. Sâu xa của vấn đề này cũng một phần bắt nguồn từ nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vấn đề phổ biến nữa là các doanh nghiệp thiếu tiềm lực tài chính, chủ yếu “lấy ngắn nuôi dài” bằng nguồn tài chính của mình nên không có khả năng đầu tư mạnh ra thị trường nước ngoài để tìm kiếm các khách hàng lớn.

Một lý do theo ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Công ty phần mềm TMA, rất ít doanh nghiệp phần mềm Việt Nam tạo dựng được bản sắc riêng, đa phần đi theo những công nghệ và lĩnh vực phổ biến mà ai cũng có thể làm được. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cho rằng mặc dù nhà nước có nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp phần mềm nhưng sự hỗ trợ tỏ ra ít hiệu quả, chưa đúng hướng. Các trung tâm phần mềm ngoài việc tạo ra lợi thế tập trung, chưa tạo ra được những ưu đãi đặc biệt gì cho doanh nghiệp.

Cần “nhân lực quốc tế” và có những hỗ trợ cụ thể

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp và chuyên gia đã đưa ra một số đề xuất cho sự phát triển xuất khẩu phần mềm. TS. Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Thương mại cho rằng “để ngành gia công phần mềm Việt Nam phát triển được cần tạo dựng được bản sắc riêng và có đặc trưng tiêu biểu”. Ngoài ra, ông Hải nói cần có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng hình ảnh của ngành gia công phần mềm Việt Nam.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) đưa ra một số giải pháp được cho là có thể tạo ra sự đột phá cho ngành phần mềm Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ nhân lực đáp ứng được cho thị trường gia công phần mềm quốc tế. Để có được đội ngũ “nhân lực quốc tế” này, các trường cần quốc tế hoá giáo trình, chương trình đào tạo và huy động sự tham gia đầu tư của xã hội cho vấn đề đào tạo nhân lực.

Ông Công cũng đề nghị thành lập cơ quan đặc trách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phần mềm đặt tại Bộ BCVT; thành lập Trung tâm xúc tiến phần mềm Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại một số thị trường trọng điểm như Nhật, châu Âu và Mỹ; hỗ trợ các doanh nghiệp tiến tới áp dụng các quy trình và kỹ năng quản lý phần mềm tiên tiến như CMM.

Một giải pháp “trọng tâm” nữa được đại diện VINASA đưa ra là xây dựng Quỹ phát triển phần mềm Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nguồn vốn từ quỹ này có thể lấy từ việc đánh thuế 5% đối với các sản phẩm phần mềm nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần phát triển các khu công nghiệp phần mềm trọng điểm được trang bị cơ sở hạ tầng, các ưu đãi cho doanh nghiệp phần mềm và thu hút các doanh nghiệp phần mềm nước ngoài.

Đỗ Duy - Quỳnh Anh