- Các bà, các mẹ thay nhau chia phần thức ăn mang về. Khi không có túi nilon họ “mượn” luôn bát, đĩa của gia chủ. Bởi vậy, sau đám cưới, mẹ chồng tôi phải méo mặt mua bát, đĩa đền bù cho người cho thuê.
Tôi không khỏi bức xúc khi đọc bài viết Những túi nilon từ cỗ cưới đã nuôi dưỡng chúng tôi.
Ngày xưa khó khăn, đói kém cái lệ 'ăn cỗ lấy phần' có thể dễ dàng được người ta chấp nhận nhưng ngày nay đời sống vật chất, tinh thần đã khá hơn, tại sao hủ tục không chịu xóa bỏ tục lệ đó? Hay tất cả lý do nghèo khó, thiếu đói chỉ là lời biện hộ cho sự tham lam?
Không phải vô duyên vô cớ tôi lại dị ứng với tục lệ này. Chuyện xảy ra ngay trong đám cưới của tôi 3 năm về trước. Tôi quê ở Bắc Ninh về tỉnh N. làm dâu, vẫn biết mỗi quê mỗi lệ nhưng có những chuyện khiến tôi không khỏi ngạc nhiên.
Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn ảnh: Internet |
Năm đó, đám cưới của vợ chồng tôi diễn ra vui vẻ nhưng điều tôi ngán ngẩm là khách mời của họ nhà trai. Không biết phong bì các bà, các ông mừng được bao nhiêu vậy mà bà nào, chị nào đến cũng "tay xách nách mang" đồ ăn về. Có người tế nhị dấu gói xôi, gói gà, gói thịt… trong cái nón, mũ lại có người thoải mái cầm lủng lẳng trên tay.
Lúc đám cưới đang diễn ra, tôi thấy một bàn khách rất lạ. Bàn này người lớn thì ít mà trẻ con thì nhiều. Hóa ra các bà, các cụ đi cưới dắt theo cả người nhà. Một người thì dẫn thêm 2 đứa cháu, ngồi kín một mâm 10 người.
Chưa hết, sau khi các cháu ăn no nê, một bà- nhà ngay cạnh gia đình chồng tôi, còn gói phần thức ăn lại ném ra cho một đứa cháu khác ở phía ngoài hàng rào. Đứa này không nằm trong “suất” được đi ăn cỗ với bà nên rập rình ở ngoài chờ bà mang phần tiếp tế ra cho.
Lúc đấy tôi và chồng đang đi chúc rượu từng bàn. Vừa đến bàn đấy thì cũng là lúc bà kia ném bọc thức ăn ra hàng rào. Tôi bất ngờ né tránh, loạng choạng ngã vào mâm cỗ bên cạnh. Tôi nằm sõng xoài lên bàn cỗ đầy ắp thức ăn.
Chiếc váy cưới trắng tinh khôi đã bị lấm lem bởi nước chấm, nước canh, nước sốt… Chồng tôi hốt hoảng đỡ lấy vợ cũng loạng choạng suýt ngã theo. Giây phút bối rối qua đi, tôi cảm thấy chán nản cho hành động ấy.
Sau đám cưới, vợ chồng tôi đã phải méo mặt bỏ tiền túi ra mua váy cưới mới để đền bù cho nhà hàng cho thuê. Bởi chiếc váy cưới tôi mặc hôm đó đã quá lấm lem, không tài nào giặt sạch lại được.
Một điều khiến tôi bức xúc nữa là không ít bà, mẹ do không chuẩn bị túi nilon từ trước đã lấy luôn bát, đĩa của gia chủ để đựng đồ ăn về. Dĩ nhiên là họ không quay lại để trả số bát, đĩa ấy.
Thế là sau đám cưới, lượng bát, đĩa nhà chồng tôi thiếu hụt. Mẹ chồng tôi phải lấy tiền của gia đình đi mua thêm mấy chồng bát, đĩa về đền cho người cho thuê.
Nhờ sự tích cực "cầm về" này mà đồ ăn trong đám cưới không thừa một chút nào. Cỗ cưới diễn ra vào ban trưa nhưng chiều hôm đấy tôi và mẹ chồng phải ra chợ mua thức ăn vì trong bếp đã trống trơn.
Thậm chí, một nồi sốt vang ngon lành gia đình tôi để dành lại cho con cháu trong nhà ăn sau đám cưới cũng bị các bà bê mang về. Mẹ tôi còn than vãn không biết ai đã khiêng cái nồi ấy đi để sang để xin cái nồi không về.
Rút kinh nghiệm từ đám cưới của chúng tôi, đám cưới của em chồng tổ chức sau này, mẹ chồng tôi đã có sự chuẩn bị chu đáo. Khi sắm sửa đồ để làm cỗ, bà không quên ghi vào sổ dòng chữ: “Mua túi nilon cho khách đựng thức ăn”.
Khi đi chợ, bà cứ nhắc đi nhắc lại: “Tí mẹ quên thì mày nhớ nhắc mẹ mua túi nilon. Không có túi các bà ấy lại khuân hết bát đĩa nhà mình về”.
Bởi vậy, trong mâm cỗ cưới của em chồng tôi có một điều đặc biệt. Đấy là ngoài các món truyền thống như xôi, thịt, nem… mỗi mâm còn đính kèm một bọc túi nilon. Nhờ vậy, đám cưới ấy dù đồ ăn vẫn được dọn “sạch sẽ” nhưng nhà tôi không mất bất cứ cái bát, đĩa nào.
Tôi biết trong số những người tham gia lấy phần kia có nhiều nhà khá giả. Bữa cơm của họ chẳng đến nỗi thiếu một miếng ngon. Vậy tại sao họ lại ngồi bên cạnh chờ mâm người khác ăn xong để lấy phần hoặc người ta đang ăn thì đến xin để mang về?
Phải chăng họ nghĩ, đã bỏ tiền mừng cưới phải vớt vát chút gì cho đỡ tiếc của?
Châu Anh (Bắc Ninh)