Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến vé tàu “ế” là do giá cao. Trong khi đó, các hãng hàng không trong nước năm nay không khai thác được đường bay quốc tế, đã tập trung nguồn lực, hạ giá kéo khách trong nước bay tuyến nội địa.

Ga Hà Nội còn khoảng 40.000 vé tàu Tết “đợi” khách

Bắt đầu mở bán từ 1/10, đến nay ga Hà Nội mới chỉ bán được khoảng 32.000 vé tàu Tết Tân Sửu 2021 tuyến đường sắt Bắc-Nam. Hiện trong kho vé của ga Hà Nội vẫn còn khoảng 40.000 chỗ.

Trong đó, tính đến ngày 29/12, tàu thống nhất xuất phát từ ga Hà Nội đi Vinh, Đồng Hới và có ga đến là Sài Gòn có mã SE1 còn 5.000 vé cả trước và sau Tết; tàu SE3 còn khoảng 4.300 chỗ; tàu SE5 còn 4.600 chỗ; tàu SE7 còn 4.200 chỗ; SE9 còn 3.970 chỗ; SE11 còn 4.828 chỗ; SE19 còn 3.500 chỗ…

Với các mác tàu chẵn có ga đi từ Sài Gòn và ga đến từ Đồng Hơi, Vinh, đến Hà Nội, tổng vé còn trước Tết Nguyên đán khoảng 10.300 chỗ; sau Tết khoảng 20.000 chỗ. Đại diện một phòng vé cho biết, so với năm ngoái, tốc độ mua vé của người dân năm nay giảm mạnh.

{keywords}
Ngành Đường sắt đang lo “ế” vé tàu Tết.

Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, các ngày cao điểm, loại chỗ “hot” đều đã bán hết vé ngay sau khi mở bán một vài ngày. Tuy nhiên, các năm trước, khách mua nhiều trong cả giai đoạn chạy tàu Tết  nhưng năm nay, giá vé máy bay rẻ hơn, chuyến bay nhiều, liên tục đã thu hút rất lớn lượng khách.

Bà Hà cũng cho biết, đối với tàu khu đoạn phía Bắc, cũng như mọi năm, các chặng ngắn còn rất nhiều vé vì nhu cầu khách chưa có. Khách đi các chặng này thường sát Tết mới mua.

“Một nguyên nhân nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Đường sắt là việc thi công gói 7.000 tỷ đồng tuyến Bắc – Nam, dẫn đến hành trình tàu kéo dài, nhiều tàu bị chậm giờ. Mặc dù Tết sẽ dừng thi công để tổ chức chạy tàu, nhưng tình trạng chậm tàu hiện nay cũng khiến khách e ngại, bà Hà thông tin.

Cùng đó, ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thẳng thắn thừa nhận thực tế đang “ế” vé tàu Tết năm nay. Nguyên nhân, theo ông Tuấn là do ảnh hưởng dịch COVID-19, thu nhập, đời sống người dân khó khăn hơn nên họ cũng cân nhắc trong việc có nên về quê ăn Tết hay không. Hàng không tập trung vào thị trường nội địa, tới 6.000 chuyến bay trong thời điểm Tết...

“Phương thức nào mà giá thấp, thời gian hành trình hợp lý là khách lựa chọn. Điều này tác động rất lớn đến việc bán vé Tết của ngành Đường sắt”, ông Tuấn nói.

Tăng tàu khu đoạn, giảm mạnh giá vé để hút hành khách

Theo tìm hiểu của phóng viên trên một số diễn đàn về giao thông, nhiều người cũng cho rằng, năm nay nếu mua sớm, vé máy bay rẻ hơn vé tàu rất nhiều, đi lại thuận tiện nên dường như nhiều người dân không còn mặn mà với đường sắt.

Về những ý kiến phản ánh của khách hàng như giá vé tàu đắt, đường sắt chỉ bán chặng dài trước, không cắt bán chặng ngắn sớm, bà Hà cho biết, giá vé năm nay đã giảm 10-20% so với năm ngoái. Nhưng dù có giảm, vẫn phải thừa nhận vé tàu còn đắt hơn đi các phương tiện khác.

“Chạy tàu với giá hiện nay, chúng tôi đã lỗ nhiều rồi vì phải gánh rất nhiều chi phí cố định, không thể hạ giá được nữa. Vì thế, chúng tôi phải tìm mọi phương án để hút khách như chạy tàu “rải” ra, khảo sát ngày nào, chặng nào khách có nhu cầu cao thì lập thêm tàu, có các chính sách giá vé linh hoạt, chương trình giảm giá vé. Điển hình như giảm từ 10-30% giá vé đối với sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; giảm giá 5% vé khứ hồi…”, bà Hà cho hay.

Trước tình hình này, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đang triển khai nhiều giải pháp mới để thích ứng và thu hút thêm khách đi tàu cả đợt vận chuyển Tết như: Giảm giá, khuyến mãi, điều chỉnh cung chặng, cắt chặng để bán vé cho phù hợp, sát với nhu cầu thực tế của hành khách từng thời điểm. 

Mới đây, ngành Đường sắt tung hàng nghìn vé giảm giá 50% cho hành khách đi trên các đoàn tàu cho giai đoạn không cao điểm trước Tết từ ngày 4/1 đến 29/1/2021. Sau khi giảm giá, giá vé TP HCM - Nha Trang chỉ từ 160.000 đồng/vé; TP HCM - Đà Nẵng chỉ từ 250.000 đồng/vé.

Đặc biệt, giá vé từ TP HCM - Hà Nội chỉ từ 450.000 đồng/vé. Thông tin thêm, ông Trần Thiện Cảnh, Phó TGĐ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, nhằm kích cầu hành khách đi lại trong dịp Tết bằng tàu hỏa, ngành đường sắt đã tăng cường công tác truyền thông, tổ chức bán vé bằng nhiều hình thức như trực tuyến, trực tiếp, qua app và hệ thống các đại lý và việc thanh toán cũng rất đa dạng như bằng tiền mặt, chuyển khoản, bằng thẻ hoặc ví điện tử…

Đặc biệt, theo ông Cảnh, việc bán vé được phục vụ đến các trường đại học và các khu công nghiệp để phục vụ học sinh, sinh viên và công nhân lao động.

(Theo Công An Nhân Dân)