- 55 tuổi đời, 47 tuổi nghề, NSƯT Thành Lộc đã rót xương máu, linh hồn vào gần 600 vai diễn. Anh biến hóa khôn lường trong các vai diễn từ em bé, thanh niên cho đến ông già, thiếu nữ ... Sân khấu với Thành Lộc là cuộc đời và chưa bao giờ anh nghĩ có ngày sẽ chia tay nghệ thuật.

Clip 1: Thành Lộc chia sẻ về giải trí, nghệ thuật...
Clip 2: Thành Lộc nói về tình bạn với Hoài Linh.
Xem toàn bộ phần 1 cuộc trò chuyện với NSƯT Thành Lộc.

MC Quỳnh Loan: Nổi tiếng với nhiều vai diễn, biệt tài của anh có thể khiến khán giả yêu, ghét, khóc hay cười theo ý mình, điều này không phải nghệ sĩ nào cũng làm được, anh có thấy mình khác biệt?

NSƯT Thành Lộc: Trong nghệ thuật, tài năng thiên phú quyết định 50 - 50 ngoài sự nỗ lực của bản thân. Ví dụ có nghệ sĩ có thể diễn kịch cho người lớn nhưng không thể diễn kịch cho trẻ con được hoặc có người đóng hài nhưng không đóng bi được. Tôi là một trong nhiều nghệ sĩ có khả năng làm được nhiều công việc khác nhau. Đó là điều may mắn.

Thứ 2, tôi không phủ nhận sự nỗ lực của bản thân để có thể liên tục tỏa sáng như vậy. Mỗi người nghệ sĩ đều có chất ngọc đó ở trong người nhưng ngọc suy cho cùng cũng là đá thôi, nếu mình biết mài dũa theo nhiều góc cạnh nó càng tỏa sáng.

MC Quỳnh Loan: Mọi người gọi anh với danh xưng "phù thủy sân khấu” hơn là nghệ sĩ ưu tú, phải chăng phù thủy sân khấu mới thực sự được ghi nhận còn NSƯT chỉ là danh hiệu?

NSƯT Thành Lộc: Phù thủy sân khấu đối với nhiều người là sự thóa mạ kiểu: "Thầy này phù thủy lắm, cô kia phù thủy lắm". Phù thủy ở đây là người làm công tác diễn xuất có thể điều khiển cảm xúc của chính mình và điều khiển cảm xúc của cả khán giả.

Tôi nhớ NSND Bạch Tuyết từng nói chi tiết: "Tôi muốn hôm nay khán giả khóc nhiều. Tôi muốn hôm nay khán giả khóc ít. Tôi muốn hôm nay khán giả cười òa lên. Tôi muốn hôm nay khán giả cười mỉm mỉm". Điều đó nói rằng khả năng nằm trong tay người nghệ sĩ. Người diễn xuất tay nghề cao có thể điều tiết được điều đó.

Tuy nhiên cũng phải hiểu cảm xúc của người nghệ sĩ tùy thuộc vào phản ứng của khán giả. Hôm nào khán giả im ắng quá tôi mất hứng, hôm nào khán giả nhiệt tình tôi cảm thấy hưng phấn hơn. Cho nên đôi khi khán giả lại là phù thủy một cách vô thức khiến cảm xúc tác động ngược lại với người nghệ sĩ.

MC Quỳnh Loan: Khán giả đến với sân khấu kịch ngày càng ít đi, tính giải trí được ưu tiên hơn. Nếu vẫn chọn con đường nghệ thuật vì nghệ thuật sang trọng, bác học thì những vở diễn của anh có nhiều đất sống hay không?

NSƯT Thành Lộc: Thực ra sân khấu IDECAF của chúng tôi vẫn tồn tại 2 mảng  song hành với nhau là giải trí và học thuật vì nếu tách 2 mảng ra chúng tôi đã bị đóng cửa từ lâu rồi. Suy cho cùng nghệ thuật chức năng ban đầu là giải trí thưa quý vị. Nếu chúng ta cứ mê tín cực đoan nghệ thuật là không dính dáng, liên quan đến giải trí và cho giải trí là cái gì đó rất thấp kém, cách suy nghĩ đó hơi sai.

Trở lại với sân khấu kịch Idecaf chúng tôi vẫn song hành hai mảng như vậy bởi chỉ đơn thuần mảng giải trí thì những người theo dòng nghệ thuật bác học sẽ bỏ sân khấu của mình nên vẫn có những vở kịch kinh điển của thế giới tồn tại song hành. Tôi vẫn có dàn kịch để phục vụ đối tượng khán giả kén chọn tác phẩm.

{keywords} 

MC Quỳnh Loan: 55 tuổi, sở hữu gần 600 vai diễn, tôi biết rằng có không ít lần anh đã đánh đổi máu, nước mắt, thậm chí cái chết cận kề, anh chia sẻ gì về điều này?

NSƯT Thành Lộc: Hồi xưa, lúc gần tốt nghiệp trường sân khấu tôi đóng 3 cuốn 100 trang bằng bìa da rất đẹp để ghi lại vai diễn của mình từ kịch, cải lương, tấu hài, điện ảnh, truyền hình... Lúc đó tôi tham gia trên 300 vai nhưng đến một thời điểm tự nhiên thấy nó phù du thế là đốt mất tiêu.

Đến bây giờ tôi tham gia khoảng hơn 500 vai diễn. Có những vai mình thực sự thích thú, có những vai hoàn toàn không ưng ý nhưng nguyên tắc làm việc là cái gì mình thích mới nhận. Đôi khi do kịch bản hay nên có những vai diễn mình chỉ xuất hiện 15, 20 phút như nhân vật ông Thiện "Ngôi nhà không có đàn ông". Có những vai diễn chỉ thoáng qua.

Mỗi người chỉ sống một kiếp đời của mình nhưng nghề diễn viên sướng bởi tôi có thể trải qua cả chục ngàn số phận con người khác nhau. Đôi khi nhân cách nhân vật hơn mình nên trong quá trình chạm vào tác phẩm người nghệ sĩ có tri thức tốt, ý thức tốt sẽ hoàn thiện nhân cách.

Ngày xưa tôi đâu dễ dàng tha thứ. Nghề diễn đụng chạm thù ghê lắm nhưng đôi khi vai diễn đem đến cho mình bài học về nhân cách để ngộ ra nhiều vấn đề và có những cư xử tốt hơn.

MC Quỳnh Loan: Lâu nay mọi người hay mặc định Thành Lộc và Hoài Linh là 2 chiến tuyến. Các anh ngồi ghế ban giám khảo vì phép lịch sự nhưng thực sự không vừa lòng nhau. Anh nói sao về điều này?

NSƯT Thành Lộc:  Ai nói với bạn như vậy, dư luận nào? Tại sao lại dùng từ chiến tuyến? Chúng tôi có chiến tuyến gì đâu. Hoài Linh nhỏ tuổi hơn tôi cả về tuổi đời và tuổi nghề. Ngoài đời Linh kêu tôi là "đại ca" còn tôi kêu Linh là hiền đệ.

Khi tôi nổi tiếng ở showbiz vào những thập niên 1980, 1990 lúc đó Hoài Linh chưa nổi tiếng. Sau đó mấy năm Hoài Linh nổi tiếng ở hải ngoại. Hai môi trường hoàn toàn khác nhau, một người trong nước, một người ở Hoa Kỳ chả đụng chạm gì, chả liên quan gì đến nồi cơm của nhau.

Một thời gian Hoài Linh về nước hoạt động. Lúc đó tôi đã xác định theo dòng kịch chính thống. Tôi còn nhớ lần gặp Hoài Linh, lúc đó cậu ấy chưa kêu tôi bằng đại ca. Hoài Linh nói: "Anh lên đồng giỏi lắm hả? Em lên đồng chuyên nghiệp lắm nha!".

Lúc đó tôi giỡn: "Lên đồng chuyên nghiệp với lên đồng sân khấu khác nhau lắm à nha". Hoài Linh bảo: "Bữa nào anh lên đồng cho em lên đồng cùng vì lên đồng là nghề của em".

Sau đó một thời gian tôi gặp lại Hoài Linh trong đám cưới của đồng nghiệp, thời điểm đó tôi hay vào vai giả gái mà Hoài Linh nổi tiếng với các vai giả gái. Thấy Hoài Linh, tôi ghẹo: "Khỏe không em gái?", Hoài Linh bảo: "Trời ơi, anh giỡn vậy ý hả? Em nghĩ ở ngoài anh nghiêm lắm, không kêu vậy''. Về sau Hoài Linh thoải mái giỡn với tôi.

Tôi biết có sự cố xảy ra từ một gameshow. Tôi đâu biết Cao Hữu Thiên là con nuôi Hoài Linh mà nghĩ BTC lăng xê Thiên thôi. Cái này là do hiểu lầm nên khi gặp Linh tôi nói, anh đâu biết Thiên là con nuôi em.

Đến khi chúng tôi cùng làm giám khảo Vietnam’s Got talent, lúc tuyển sinh ở Hà Nội, mỗi lần băng qua đường khán giả nhận ra tôi với Hoài Linh và Hoài Linh bảo: "Anh ơi, chúng ta cặp kè nắm tay băng qua đường để mọi người biết tụi mình không ghét nhau đi".

Tôi thấy chuyện bảo tôi và Hoài Linh ghét nhau đôi khi do truyền thông và chính fan hâm mộ góp phần tạo khoảng cách, rào cản. Tôi xác định đối tượng khán giả của mình và Hoài Linh cũng biết nhắm tới đối tượng nào vì thế chẳng đụng chạm tới nhau.

Tôi có thừa khả năng đi vào đối tượng khán giả của Hoài Linh, bởi trước kia tôi đi diễn hài với Hồng Vân, Lê Vũ Cầu, Hồng Đào, Hữu Châu, Minh Nhí. Chúng tôi tấu hài rần rần đi khắp nơi trên cả nước, sau này thành lập công ty xác định chỉ làm kịch dài khoanh vùng đối tượng.

Hoài Linh cũng đã rất thành công trong vai Trạng Quỳnh trong một vở kịch dài ở nhà hát kịch thành phố và rất nhiều vở kịch khác. Hoài Linh có thể diễn hài xuất sắc và diễn bi không thua kém ai. Mọi người biết nhân vật ông Tư trong vở Dạ cổ hoài lang tôi sống chết với nhân vật này trên 10 năm nhưng chưa nhận được giải Mai Vàng nào từ vai diễn đó trong khi Hoài Linh nhảy vô, diễn đúng 3 suất nhận giải Mai vàng ngon ơ.

Điều đó chứng tỏ đẳng cấp của Hoài Linh không thua kém gì Thành Lộc. Vì thế bây giờ quý vị đừng nghĩ Hoài Linh và Thành Lộc ở 2 chiến tuyến vì công việc của ai người đấy làm và anh em chúng tôi rất quý nhau.

Phần 2: Thành Lộc: Bệnh tật, 10 cuộc tình và...

Sơn Hà - Quỳnh Loan - Đức Yên - Hoàng Thuyên

Ảnh: Đinh Tuấn