Đào Nhật Hải, sinh năm 2001 (cựu sinh viên Đại học Ngoại Thương), trưởng nhóm 4V Vietnam cho biết, nhóm gồm 10 thành viên có cơ duyên vô cùng đặc biệt khi ngẫu nhiên được sắp xếp vào 1 chương trình do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức. Và nhóm càng may mắn và tự hào hơn khi được là nhóm chiến thắng chung cuộc, nhận giải thưởng lên đến 5000 USD từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ để thực hiện triển lãm nghệ thuật bền vững đầu tiên tại Hà Nội mang tên Triển lãm “Lớp Lớp Hà Nội”, vào tháng 7 năm 2023.
Sứ mệnh của 4V là tái chế các loại vải vụn, vải thừa của những nhà máy tư nhân trên địa bàn TP Hà Nội, ghép lại thành những tấm voan để các họa sĩ, người sáng tạo nghệ thuật có thể dựa trên đó để tạo ra tác phẩm vừa mang tính ứng dụng về mặt trang trí, vừa để truyền tải nội dung, thông điệp của tác giả vào tác phẩm, bên cạnh đó, mở rộng quy mô của cuộc triển lãm tranh ra nhiều quốc gia khác nhau.
Vào đầu tháng 8/2023, 4V Việt Nam đã tổ chức triển lãm tranh từ vải tái chế đầu tiên mang tên “Lớp Lớp Hà Nội” với hơn 1000+ lượt tham quan.
Vào ngày 23/3/2024 vừa qua, 4V kết hợp cùng Le Eco Chic (dự án ứng dụng vải dứa để tạo nên các trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam) để tổ chức nên buổi Runway kết hợp trưng bày tranh tại Singapore.
Tiếp nối thành công ấy, vào cuối tháng 4/2024, 4V Việt Nam tiếp tục tổ chức triển lãm tiếp theo với chủ đề “Chạm một nét hoa” với sự tham gia của hơn 30 họa sĩ đến từ khắp các tỉnh thành khác nhau nhưng đều có chung một khát vọng muốn mang những nét vẽ của mình đóng góp cho một Việt Nam xanh hơn, bền vững hơn. Với chất liệu đặc biệt như vải, để tạo nên các bức tranh, các họa sĩ đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm. Mỗi tấm toan là một bài toán khó, buộc họ phải nghĩ cách để kết hợp những mảng vải không đồng nhất với ý tưởng để tạo ra thành phẩm hoàn hảo.
Đào Nhật Hải chia sẻ, 10 bạn sinh viên trong nhóm với 10 nền tảng khác nhau và hầu như không có kinh nghiệm trong mảng nghệ thuật mà chỉ có niềm yêu thích đặc biệt với nghệ thuật, nhưng với niềm đam mê học hỏi, 9 bạn đã tự tìm tòi, xin trợ giúp từ cố vấn chuyên môn, giám tuyển… để có thể thành công tổ chức sự kiện triển lãm đầu tiên khi chưa có kinh nghiệm. Kỉ niệm đáng nhớ nhất là những lúc các bạn tự đi tìm kiếm nguồn vải vụn ở các nhà may tư nhân, rồi tự làm khung tại nhà 1 bạn, tự thực hành làm nên bộ hoạ cụ bền vững từ vải vụn.
Từ “Lớp lớp Hà Nội” đến “Chạm một nét hoa” là một bước tiến lớn nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường của các bạn sinh viên đến giới trẻ cũng như công chúng.
Với doanh thu thu được từ việc bán tranh, 4V cũng gây quỹ được gần 2000 USD để thực hiện chiến dịch tình nguyện “Trường xanh cho em” vào tháng 10/2023, đưa 400 cây xanh bóng mát lên 27 trường và điểm trường ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, tạo không gian tươi mát cho các trường học và lan tỏa lối sống xanh cho các em học sinh vùng cao. Ngoài ra, các tình nguyện viên cũng tham gia dạy vẽ và giáo dục tình yêu môi trường cho các em học sinh ở Bắc Quang.
Năm nay, 4V xây dựng nền tảng triển lãm và trưng bày online để tiếp cận với nền mỹ thuật quốc tế, đưa ngành hội hoạ bền vững ra thế giới.
Theo thống kê của VnEconomy, mỗi tháng cả nước có tới hơn 863,159 kg vải vụn được thải ra từ các nhà máy dệt may. Trong đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội, vải vụn tại các nhà may tư nhân chủ yếu xử lý dưới hình thức chôn lấp hoặc đốt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cộng đồng địa phương.