Thông tin mới đây về việc ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sắp thêm 1 đơn vị có tiềm lực tham gia đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô tại Thái Bình khiến dư luận hết sức quan tâm. Đó chính là Tập đoàn Geleximco của doanh nhân Vũ Văn Tiền, với tổng số vốn đầu tư lên tới 800 triệu USD (gần 19.000 tỷ đồng)
Dù chiến lược sản xuất kinh doanh của Geleximco có thể không giống người đi trước là VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, song việc có thêm một đại gia sẵn sàng bỏ tiền để sản xuất ô tô đã khiến nhiều người Việt khấp khởi chờ đợi sẽ sớm có thêm những mẫu xe chất lượng và giá rẻ.
Có kinh nghiệm 26 năm lắp ráp xe máy
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco được xem như một tỷ phú đô la kín tiếng trong lĩnh vực bất động sản nhiều năm nay. Ngoài ra, ông còn là cổ đông của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp nghìn tỷ khác.
Theo tìm hiểu, Tập đoàn Geleximco của ông Tiền ra đời năm 1993, tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội. Đến nay, Geleximco đã xây dựng mô hình phát triển thành một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành nghề, với 5 lĩnh vực chính: Sản xuất công nghiệp; tài chính - ngân hàng; bất động sản; thương mại – dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao. Và rất có thể trong tương lai gần sẽ có thêm lĩnh vực thứ 6 là sản xuất, lắp ráp ô tô.
Thực tế, Geleximco không hẳn là doanh nghiệp “mới toanh” trong ngành khi đã tham gia rất sâu vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng và lắp ráp xe máy hơn 20 năm nay.
Geleximco chính là một trong những cổ đông sáng lập của Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (VAP) hoạt động từ năm 1996. Công ty này là chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô xe máy có tổng vốn đầu tư 90 triệu USD tại Khu công nghiệp Như Quỳnh, Hưng Yên.
VAP có sự tham gia của 6 đối tác trong và ngoài nước, trong đó, Tập đoàn Geleximco và Công ty Honda Việt Nam là hai cổ đông Việt Nam. Phía nước ngoài gồm công ty của Thái Lan là Asian Honda Motor Co., Ltd, Daisin Co. Ltd, một công ty của Lào là New Chip Xeng và một công ty của Nhật là Kyushu Yanagawa Seiki Co.,Ltd.
Công ty VAP hiện cung cấp các sản phẩm chính cho Honda và Goshi, cùng với đó là xuất khẩu đi nhiều nước. Ngoài ra, liên doanh này còn lắp ráp xe máy Honda với công suất 400.000 xe/năm.
Tuy vậy, kinh nghiệm sản xuất, lắp ráp mặt hàng có giá trị cao hơn rất nhiều là ô tô thì doanh nghiệp này gần như chỉ là con số "0" và chưa thể bằng các doanh nghiệp Việt khác như THACO, Hyundai Thành Công hay mới đây nhất là VinFast.
Nhiều rủi ro nếu bước một mình
Như VietNamNet đã thông tin, vào sáng ngày 17/9, tại trụ sở UBND tỉnh Thái Bình đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng giữa Tổng công ty Viglacera với Tập đoàn Geleximco để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Geleximco tại khu công nghiệp Tiền Hải.
Sau khi thuê lại đất và cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp Tiền Hải, Tập đoàn Geleximco sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô hiện đại, có đầy đủ các dây chuyền như: hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quy định của pháp luật với trình độ tự động hóa cao.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, trước mắt, nhà máy này sẽ vẫn sản xuất các dòng xe sử dụng động cơ đốt trong nhưng trong tương lai gần sẽ hướng đến sản xuất dòng xe hybrid và xe điện (EV). Bên cạnh đó, nhà máy còn sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô cung cấp cho nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và các đối tác hướng tới việc xuất khẩu.
Đại diện Geleximco chia sẻ, trong giai đoạn 1 từ năm 2024-2030 có sản lượng sản xuất dự kiến 50.000 xe/năm; giai đoạn 2 từ năm 2030 trở đi có sản lượng sản xuất 100.000 xe/năm. Tổng mức đầu tư của dự án dự tính trong giai đoạn 1 là 300 triệu USD, tương đương 7.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 500 triệu USD, tương đương 11.800 tỷ đồng.
Rõ ràng, việc bỏ ra gần 19.000 tỷ đồng để đưa nhà máy sản xuất ô tô về quê hương mình ở Tiền Hải, Thái Bình của đại gia Vũ Văn Tiền là một bước đi hết sức mạnh mẽ, quyết đoán nhưng cũng chứa đựng không ít rủi ro.
Giới chuyên gia cho rằng, rất khó để Geleximco xây dựng chiến lược "Make in VietNam" như kiểu của VinFast. Do đó, rất có thể Tập đoàn này sẽ kết hợp với một đối tác chiến lược nước ngoài, trong đó hãng xe ô tô có lượng xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc Chery được đồn đoán chính là đối tác tiềm năng nhất.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi cách đây không lâu, đại diện của Tập đoàn Chery (Trung Quốc) cũng ngỏ ý sẽ tìm đối tác tại Việt Nam để bắt tay xây dựng nhà máy sản xuất chứ không đơn thuần là phân phối thương mại như các hãng xe Trung Quốc khác đang làm. Trong đó Chery sẽ sớm tung ra 2 dòng xe chiến lược là mẫu SUV hạng B Tiggo 5 và SUV hạng C Tiggo 7.
Thực tế, nếu Geleximco hợp tác thành công với một hãng xe lớn như Chery sẽ rút ngắn được thời gian nghiên cứu, giúp đẩy nhanh sản xuất và thương mại hoá các mẫu xe. Đồng thời đảm bảo về chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng. Đây chính là yếu tố then chốt quyết định đến sự ổn định trong sản xuất ô tô như kế hoạch mà Geleximco đề ra, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt linh kiện toàn cầu như hiện nay.
Dù đại diện Geleximco khẳng định dự án vẫn đang nằm trên giấy và doanh nghiệp này vẫn đang chờ thủ tục cấp phép đầu tư từ UBND tỉnh Thái Bình, nhưng giới chuyên gia nhận định, việc thoả thuận hợp tác và đưa ra chiến lược sản xuất kinh doanh gần như đã được những người trong cuộc "chốt" xong từ lâu.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn về câu chuyện trên cũng như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!