-Tổng hoà của sự “thịnh vượng” đến từ mỗi người dân, những thứ mà nhiều khi không thể đo lường được bằng GDP.
Năm 1776, khi nước Mỹ vừa mới tuyên bố độc lập với lời văn bất hủ của Thomas Jefferson, thì ở bên kia bờ Đại Tây Dương, một tác phẩm bất hủ khác cũng ra đời: Sự thịnh vượng của các quốc gia (The wealth of the nations). Cuốn sách là kinh điển của giới kinh tế học, và là nền tảng cho những tranh luận sau này về “thịnh vượng”, như lý thuyết giải thích “vì sao các quốc gia thất bại” của Daron Acemoglu và James Robinson mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có trích dẫn trong một bài phát biểu đầu năm.
Để trở thành một “quốc gia thịnh vượng” là khó. Cái khó trước tiên là về mặt định nghĩa: thịnh vượng chỉ đơn thuần về mặt kinh tế, hay mang tính đa chiều để bao gồm cả phúc lợi, công bằng xã hội, và mở rộng quyền làm chủ của nhân dân? Nếu xét đơn chiều về mặt kinh tế, GDP đầu người hẳn nhiên là chỉ số được quan tâm nhiều nhất. Nhưng cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, GDP không phải là không có vấn đề. Từ lâu, nhiều tổ chức đã sử dụng chỉ số GDP đầu người tính theo giá so sánh (PPP) để phản ánh được chính xác hơn sức mua tương đương ở các quốc gia khác nhau.
GDP đầu người cũng không đo lường được những biến số hết sức quan trọng khác về mặt xã hội – vốn thể hiện bản chất phụng sự người dân của chế độ ta – ví dụ như bất bình đẳng, thể hiện qua hệ số GINI. Đây là chỉ số đo lường chênh lệnh thu nhập giữa các nhóm dân cư, với giá trị càng gần đến 1 càng bất bình đẳng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hệ số GINI ở Việt Nam luôn nằm trên mốc 0.39 từ năm 1998, và có dấu hiệu tăng nhẹ trong gần hai thập kỷ qua (0.436, sơ bộ năm 2016). Đáng lo ngại hơn, hệ số này đặc biệt tăng mạnh ở những khu vực kém phát triển hơn về mặt kinh tế (Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ), cho thấy thành quả của thịnh vượng kinh tế chưa thực sự được phân bổ đồng đều như kỳ vọng.
Trong khi nền kinh tế đang hướng tới những mục tiêu tăng trưởng cao hơn, thì một xã hội gần 100 triệu dân, với nguyên tắc từ "nhà nước chỉ huy sang nhà nước kiến tạo phát triển", đang phải tự đối mặt với rất nhiều vấn đề nảy sinh khi những chính sách bao cấp, trợ giá của nhà nước dần được hủy bỏ.
Năm 2017 chứng kiến mặt bằng giá của các dịch vụ cơ bản, từ y tế, giáo dục, xăng dầu, cho đến giao thông tăng tốc. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2018, khi nhà nước tiếp tục thoái lui khỏi hoạt động kinh tế. Điều này, nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong một phỏng vấn gấn đây, sẽ làm gia tăng mức độ phân hóa trong sử dụng dịch vụ giữa người giàu và người nghèo, thành thị và nông thôn, hay giữa vùng - miền khác nhau. Dù hiện tượng này là tất yếu trong một kinh tế thị trường, nhà nước vẫn cần phải đóng vai trò tích cực để làm giảm nguy cơ bần cùng hóa của những nhóm yếu thế trong xã hội.
Khi chúng ta nói đến tăng trưởng phải “nhanh và bền vững”, điều đó đã hàm ý tốc độ được ưu tiên hơn là sự an toàn. Tôi cho rằng đó là một rủi ro lớn, với cái giá rất đắt chúng ta đã phải trả trong giai đoạn mở rộng quy mô GDP bằng tín dụng bừa bãi, đầu tư nhà nước không kiểm soát, hay hoạt động kinh doanh dàn trải của các doanh nghiệp nhà nước. Chính vì thế, tôi ủng hộ quan điểm trong bài viết mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần coi ổn định vĩ mô là “trụ đỡ của nền kinh tế”, và là “nhiệm vụ xuyên suốt và ưu tiên”.
Năm 2017, xét về mặt các chỉ số, là một năm thành công về mặt kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta cần đề phòng tâm lý “thừa thắng xông lên”, để bị rơi vào cạm bẫy của tăng trưởng GDP không bền vững.
Một quốc gia thịnh vượng không hẳn là nhờ tăng trưởng kinh tế cao, mà nhiều khi phụ thuộc vào mức độ "bao trùm" (inclusive) của tăng trưởng: bao nhiêu người được hưởng lợi, bao nhiêu người bị bỏ lại phía sau. Vì thế, nhà nước không cần phải quá sốt sắng trong việc cố gắng đạt được những mục tiêu như GDP. Bởi “thịnh vượng” của một quốc gia, nói như Adam Smith, suy cho cùng là tổng hoà của sự “thịnh vượng” đến từ mỗi người dân, những thứ mà nhiều khi không thể đo lường được bằng GDP.
Nguyễn Khắc Giang
GDP tăng ngoạn mục, phản chiếu Nhà nước kiến tạo
Mức tăng trưởng kinh tế quý III ngoạn mục có được nhờ đổi mới cơ cấu kinh tế và thực hiện Nhà nước kiến tạo.
GDP và Gia Cát Dự
Nếu khai thác trên một triệu tấn dầu thì GDP có thể tăng hơn 5,8%, chỉ tiêu thất nghiệp dẫu dư luận có nhiều ý kiến nhưng là đánh giá theo thông lệ quốc tế…
GDP và 'con đường mì gói'
Lộ trình đầu tư không đúng sẽ làm lạm phát tăng. Không khéo có ngày người nghèo còn nhầm lẫn, họ nghe GDP tăng thì không phấn khởi, lại hoảng hốt kêu rằng: "Thôi rồi, giá cả lại sắp tăng!".