Tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Vietnam ICT Summit 2018 chủ đề “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số” được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đồng tổ chức hôm nay, 18/7/2019 tại Hà Nội, để phần nào thấy được thực trạng hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, Ban tổ chức đã tiến hành khảo sát 180 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn năm nay về mức độ sẵn sàng Chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam.
Kết quả khảo sát cho hay, khi được hỏi về 3 nhân tố quan trọng nhất để Việt Nam phát triển nền Kinh tế số, đa số ý kiến của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia khảo sát đều cho rằng việc Xây dựng chính phủ số kiến tạo, hành động, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân, doanh nghiệp là quan trọng nhất (137 phiếu, tương đương 76,1%); kế đó là việc Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin với 104 ý kiến, tương đương 57%; và cuối cùng là Phát triển hạ tầng số / Kết nối liên thông và dữ liệu mở (90 ý kiến, tương đương 50%).
Về phía tổ chức, doanh nghiệp, 3 nhân tố được cho là quan trọng nhất để giúp đẩy nhanh chuyển đổi số là Tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo (162, tương đương 90%); Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cụ thể (123 ý kiến, tương đương 68,3%) và cuối cùng là Đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực cho phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số (93, tương đương 51,7%).
Với câu hỏi về 3 lĩnh vực nào của Việt Nam cần và có thể thực hiện đổi mới ngay, quyết liệt để thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam, kết quả khảo sát các đơn vị, doanh nghiệp dự Diễn đàn chỉ ra rằng, lĩnh vực CNTT đứng vị trí đầu tiên với 133 phiếu tương đương 73,9%; tiếp đến là lĩnh vực Thương mại điện tử với 88 phiếu chiếm 48,9%; và thứ ba là lĩnh vực GD&ĐT với 69 phiếu, chiếm 38,3%
Còn với câu hỏi hiểu biết về chuyển đổi số chưa? Đã có hoạt động cụ thể gì thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức của mình chưa? Không có phiếu nào đề cập là không có hiểu biết và chưa có hành động gì. 34,4% người được hỏi trả lời Đã có tìm hiểu nhưng chưa biết cần làm gì?; 32,2% trả lời Đã hiểu và đã sẵn sàng mọi nguồn lực cho chuyển đổi số và 28,9% hiện đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số.
Nhấn mạnh quan điểm để triển khai được Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số thì hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan, doanh nghiệp giữ vai trò vô cùng quan trọng, tại Diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho rẳng, trong bối cảnh cuộc cách mạng số đang bùng nổ trên toàn cầu như hiện nay, muốn giấc mơ lớn của đất nước trở thành hiện thực, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương cần bắt đầu từ những việc nhỏ mà hiệu quả thiết thực cho người dân và phải làm ngay, làm quyết liệt, đặt nền móng vững chắc cho thành công trong tương lai.