- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho hay, hãy nhìn vào năng lực, phẩm chất và trình độ của cán bộ, không nên quan tâm nhiều đến “gốc gác”, xuất thân gia đình.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã có cuộc trao đổi với VietNamNet và VOV bên lề cuộc họp báo Chính phủ chiều tối nay, xung quanh việc bổ nhiệm Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Có ý kiến cho rằng, nếu thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện như quyết định 82 năm 2004 của Bộ Nội vụ thì khó có cơ hội cho người trẻ vào các vị trí quan trọng. Vậy Bộ có tính đến việc sửa đổi quyết định này để rộng đường cho trí thức trẻ làm lãnh đạo?
Đây là một câu chuyện dài.
Chính sách thu hút người trẻ không phải là cứ người trẻ học giỏi trong trường, thủ khoa ra là làm lãnh đạo ngay được.
Bởi vì học có giỏi thì cũng chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ thôi. Còn làm lãnh đạo là phải định hướng, dẫn dắt, giám sát, quản lí, điều hành. Những điều này đòi hỏi bề dày kinh nghiệm, từng trải từ cuộc sống, am hiểu tâm lý con người, tiếp xúc với đám đông và nhiều kỹ năng khác.
Tại sao mà Bộ đưa ra quy định cần bao nhiêu năm kinh nghiệm, cần phải có ngạch chuyên viên chính…
Mình cứ hay đi theo hướng trẻ hóa đội ngũ cán bộ mà quên mất là phát huy lớp trẻ không có nghĩa là đưa lớp trẻ vào vị trí lãnh đạo ngay. Mà phát huy lớp trẻ là người nào giỏi cái gì thì bố trí cho họ vào làm những công việc phù hợp với năng lực, chuyên môn của họ. Sau đó có đào tạo, bồi dưỡng để họ có thể đảm nhận được cương vị lãnh đạo.
Có nhiều bạn trẻ không thích làm lãnh đạo, chỉ thích làm chuyên môn thôi thì mình phải bồi dưỡng chuyên môn cho họ. Trẻ hóa phải hiểu nhiều khía cạnh chứ không phải đưa người ít tuổi lên làm lãnh đạo.
Nếu những trường hợp bổ nhiệm người trẻ làm lãnh đạo là con của người dân bình thường thì có khi dư luận ủng hộ chứ không phải hoài nghi?
Đấy là chuyện bình thường. Do chúng ta hay nhìn vào lí lịch gia đình.
Hãy nhìn vào năng lực, phẩm chất và trình độ của người ta chứ không nên quan tâm nhiều đến gốc gác, xuất thân gia đình.
Điều quan trọng là chọn được người có đủ trình độ, năng lực, có tài, có tâm, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chúng ta cần có cái nhìn thoáng hơn, không nên “soi” nhiều đến lí lịch như vậy.
Tại cuộc họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết quan điểm của ông về quy trình bổ nhiệm Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo khi tỉnh này bỏ qua tiêu chuẩn chuyên viên chính mà Bộ Nội vụ đề ra: Trước khi biết đúng hay sai chúng ta phải có đủ hồ sơ, trực tiếp kiểm tra quy trình, thủ tục, căn cứ tiêu chuẩn quy định đối với việc bổ nhiệm chức danh bổ nhiệm Giám đốc sở mới kết luận đảm bảo. Tiêu
chuẩn và điều kiện đối với chức danh lãnh đạo, quản lí không có tiêu
chuẩn, tiêu chí nào phụ hay chính mà đều như nhau. Không phân biệt tiêu
chí chính, tiêu chí phụ và có giá trị như nhau về mặt pháp lí.
Chúng tôi sẽ có đoàn kiểm tra xác minh làm rõ cụ thể và có họp báo thông báo chính thức cho báo chí. Đây cũng là việc công khai, minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm nên khi nói phải có văn bản. Có thể khi họp, khi trả lời, Quảng Nam nói chưa chính xác lắm. |