Tổng cộng 232 người Palestine, trong đó có 63 trẻ em, 12 dân thường Israel, gồm cả 2 trẻ em và một binh sĩ Do Thái đã thiệt mạng trong 11 ngày giao tranh vừa qua. Hàng nghìn nạn nhân khác của cả hai bên cũng bị thương trong cuộc chiến.
Nhiều ngôi nhà của người Palestine ở Dải Gaza bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel ngày 14/5. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, không gì có thể đảm bảo rằng trong tương lai, Dải Gaza lại không rơi vào thảm cảnh này lần nữa.
Gaza là dải đất rộng hơn 360km2 ở ven Địa Trung Hải, từ nhiều thế kỷ là nơi sinh sống của người Ảrập Hồi giáo chiếm đa số và người Thiên Chúa giáo, Do Thái thiểu số. Tuy nhiên, khi người Do Thái ở châu Âu chạy trốn nạn diệt chủng, cộng đồng Do Thái ở đây đã tăng mạnh. Từ sau Thế chiến thứ nhất, cũng như toàn vùng lãnh thổ Palestine, Gaza thuộc quyền cai trị của người Anh.
Tháng 11/1947, Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 181 chấm dứt quyền uỷ trị của Anh và phân chia khu vực thành một nhà nước của người Palestine và một nhà nước của người Do Thái, riêng thành phố Jerusalem sẽ được quốc tế hoá.
Thế nhưng, ngày 14/5/1948, Hội đồng Dân tộc Do Thái tuyên bố thành lập Nhà nước Israel với thủ đô là Jerusalem. Để biểu thị tình đoàn kết với những người anh em Palestine, các nước Ảrập đã phản đối hành động này của Israel, dẫn đến cuộc chiến tranh Ảrập – Israel lần thứ nhất, bắt đầu ngay ngày hôm sau (15/5/1948). Đến khi hai bên đình chiến (tháng 2/1949), biên giới dải Gaza được vạch ra và khu vực này thuộc kiểm soát của Ai Cập.
Ngày 5/6/1967, trong bối cảnh căng thẳng của chiến tranh Lạnh, những vụ đụng độ nhỏ lẻ ở biên giới đã biến thành cuộc chiến tranh kéo dài 6 ngày. Quân đội các nước Ảrập bị thiệt hại nặng. Israel chiếm dải Gaza và bán đảo Sinai từ Ai Cập, cao nguyên Golan từ Syria và Bờ Tây cùng Đông Jerusalem từ Jordan. Ở Gaza, gần 1 triệu người tị nạn Palestine rơi vào cảnh nằm dưới quyền cai trị của Israel.
Năm 1993, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Israel ký Hiệp ước hòa bình Oslo. Israel giao lại quyền kiểm soát một phần Gaza và Bờ Tây cho chính quyền bán tự trị Palestine, đổi lại, PLO cam kết kiềm chế bạo lực của các nhóm du kích Palestine như Hamas.
Sau khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Gaza năm 2006, chính quyền Palestine nắm quyền tài phán Gaza đồng thời kiểm soát biên giới của dải Gaza với Ai Cập, trong khi Israel kiểm soát không phận và đường bờ biển của dải đất này.
Hiện nay, khoảng 80% trong số 1,3 triệu người tị nạn Palestine ở Gaza phải sống nhờ vào viện trợ và hơn nửa triệu người sống trong các trại tị nạn. Tỷ lệ nghèo đói 39%, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 40%. Trên 90% số trường học phải chia thành 2 ca sáng và chiều. Lương thực, thực phẩm khan hiếm. Điện liên tục bị cắt (trung bình, người dân ở Gaza chỉ dùng điện 6 giờ mỗi ngày do lượng điện chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu).
Chính vì những nguyên nhân này mà bạo lực, xung đột xảy ra gần như hằng ngày. Ví dụ, tháng 3/2002, Hamas thực hiện vụ tấn công làm 30 binh sĩ Israel thiệt mạng. Tháng 3 - 4/2004, Israel thực hiện 2 cuộc không kích giết hại lãnh tụ tinh thần của Hamas Shkheikh Ahmed Yassin và nhà lãnh đạo chính trị của tổ chức này Abdel Azid al-Rantiasi.
Năm 2008, Israel phát động cuộc tấn công vào Gaza kéo dài 21 ngày làm nhiều người Palestine và 13 người Do Thái thiệt mạng. Tháng 11/2012, các cuộc tấn công bằng rocket của Hamas và đáp trả bằng không kích của Israel làm chết nhiều người, trong đó có Tổng tham mưu trưởng lực lượng Hamas. Năm 2014, Hamas bắt cóc và giết hại 3 thiếu niên Israel, dẫn đến một cuộc chiến kéo dài 7 tuần ở Gaza.
Đặc biệt, hàng năm, cứ vào dịp “Ngày thảm họa 15/5” (Nakba), căng thẳng lại bùng phát ở Gaza. Điển hình, các cuộc biểu tình diễn ra ngày 15/5/2017 do Mỹ khai trương đại sứ quán tại Jerusalem, khiến 58 người Palestine mất mạng, hơn 2.700 người khác bị thương dưới tay lực lượng Israel.
Lần này, sau khi yêu cầu lực lượng an ninh Israel rút khỏi khu vực gần nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa nhưng không được phía Israel chấp thuận hôm 10/5, Hamas bắn rocket từ dải Gaza vào lãnh thổ Israel và quân đội Do Thái đáp trả bằng các cuộc không kích.
Tình trạng đổ máu thảm khốc kéo dài nhiều năm ở Gaza đã khiến nhiều nước và tổ chức quốc tế vô số lần lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế, đồng thời đề nghị quốc tế vào cuộc. Tuy nhiên, Mỹ thường sử dụng quyền của ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ để phủ quyết việc Hội đồng ra tuyên bố kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập về tình trạng bạo lực ở Gaza.
Tìm giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine là một trong những vấn đề nóng và nhạy cảm trong đời sống chính trị thế giới hiện đại, trong đó, có việc giải quyết vấn đề Jerusalem, thành phố thiêng đối với nhiều tôn giáo trong nhiều thế kỷ qua. Nếu không, vòng xoáy xung đột giữa Israel và người Palestine sẽ không bao giờ chấm dứt, từ đó làm gia tăng tình trạng bất ổn tại khu Bờ Tây và Dải Gaza, làm cho nỗi đau xuyên thế kỷ của người Palestine ở đây sẽ còn mãi kéo dài.
Nguyên Phong
Jerusalem -Thánh địa thành chiến địa
Tình hình ở Jerusalem trở nên căng thẳng gần đây, khi người Palestine biểu tình phản đối cảnh sát Israel ngăn không cho họ vào Khu phố Cổ của thành phố trong tháng lễ Ramadan của tín đồ Hồi giáo.
Hình ảnh lột tả thảm cảnh của Gaza sau cuộc chiến 11 ngày với Israel
Nhiều tòa nhà cao tầng ở Gaza bị san phẳng hay chỉ còn là đống đổ nát sau cuộc chiến 11 ngày đẫm máu giữa quân đội Israel với phong trào vũ trang Hamas và nhóm thánh chiến Hồi giáo người Palestine (PIJ).