- Toàn bộ cá thể gấu nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ được đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo để cứu hộ, nuôi dưỡng, tránh bị bỏ đói đến chết như vừa qua.
Đó là yêu cầu của Bộ NN-PTNT tại Công văn hỏa tốc 1181 do Thứ trưởng Hà Công Tuấn ký ngày 30/1 gửi UBND tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh chuyển giao toàn bộ cá thể gấu trên địa bàn về Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo để cứu hộ, nuôi dưỡng; đồng thời, tiếp tục giám sát xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý bảo tồn gấu (nếu có).
Trung tâm cứu hộ Gấu Tam Đảo cử cán bộ phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trong tiếp nhận, quản lý, nuôi gấu sau tiếp nhận theo quy định hiện hành và tôn chỉ mục đích bảo tồn.
Ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tôn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, sẽ giao ngay cho Trung tâm tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hỗ trợ, cứu chữa giao để giải quyết 25 cá thể gấu ở 3 trang trại tại TP. Hạ Long và Thị xã Quảng yên đang trong tình trạng suy dinh dưỡng, bị bỏ đói, bỏ khát dẫn đến chết”.
Hai cá thể gấu nuôi nhốt tại Quảng Ninh bị chết ngày 28/1 vừa qua (ảnh Lao động) |
Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 108 cá thể gấu nuôi nhốt tại Quảng Ninh bị chết. Nguyên nhân chính khiến gấu chết hàng loạt là do bị bỏ đói, bị suy dinh dưỡng ở cấp độ nặng, bị suy kiệt về sức khỏe và có dấu hiệu bị sừng hóa ở lòng bàn chân, bàn tay...
Trong khi, theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, hầu hết gấu nuôi tại đây đều đã già, từ 15-20 tuổi, trong khi vòng đời gấu chỉ từ 25-30 tuổi. Việc nuôi gấu, vì thế, không đem lại lợi nhuận nhiều như trước.
Số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, vào năm 2005, cả nước có khoảng 4.600 cá thể gấu nuôi nhốt, nguồn gốc bất hợp pháp.
“Do điều kiện lúc đó không thể quy tập vào một nơi, việc tiêu hủy được xem xét là đối xử không nhân đạo nên giao cho các tổ chức cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đến hết vòng đời của nó. Từ đó đến nay, đàn gấu nuôi nhốt đã chết nhiều, công tác quản lý tương đối tốt, không có chuyện đưa gấu từ tự nhiên vào nuôi nhốt” - ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Cites, cho biết.
Song, từ năm 2006 ở Quảng Ninh, rộ lên hiện tượng nuôi nhốt và vận chuyển trái phép gấu từ các tỉnh khác đến với 365 cá thể gấu, nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan và chích hút, bán mật trái phép.
Các cơ quan chức năng đã tổ chức quản lý gắn chip điện tử và tăng cường quản lý chặt chẽ, khách du lịch bị cấm đến thăm trại gấu, cấm chích hút mật gấu nên có biểu hiện một số chủ trại bỏ đói, bỏ khát dẫn đến số gấu bị chết dần trong những tháng qua.
Theo số liệu thống kê, cuối năm 2013 trên địa bàn toàn tỉnh còn 152 con gấu, đến tháng 11/2014 còn 82 con; báo cáo mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 48 cá thể gấu của 18 chủ nuôi, gồm: TP. Hạ Long 17 cá thể, Cẩm Phả 7 cá thể, thị xã Quảng Yên 19 cá thể, TP. Uông Bí 2 cá thể, huyện Vân Đồn 2 cá thể, huyện Đông Triều 1 cá thể.
Hiện nay, Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đã tiếp nhận 109 cá thể gấu, và trung tâm này có thể tiếp nhận từ 50-70 cá thể nữa.
Theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Cites, hiện toàn quốc còn trên 100 cá thể gấu ngoài tự nhiên, chủ yếu tập trung ở một số khu rừng đặc dụng và khoảng 1.800 cá thể gấu nuôi nhốt ở các hộ gia đình, các cá nhân, các vườn thú tư nhân, vườn thú và các trung tâm cứu hộ. “Các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trên cả nước có thể tiếp nhận thêm khoảng 200 cá thể gấu vào nuôi dưỡng, chăm sóc” - ông Tùng nói. |
Ngọc Hà