Theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet, dù không nằm trong số các ngành nghề được yêu cầu phải tạm đóng cửa ngay lập tức như karaoke, café, massage, quán gội đầu, spa… nhưng hôm nay, 27/3, nhiều cửa hàng sửa chữa xe, các garace, salon ô tô trên các tuyến phố lớn tại Hà Nội đã rục rịch ngừng hoạt động.
Tại Trung tâm lốp xe Dân Chủ (đường Trần Phú , quận Hà Đông), các nhân viên cho biết, cơ sở đã không nhận xe vào làm dịch vụ từ 26/3. Các cánh cửa đã đóng kín không đón khách. Nhân viên tại đây phải tạm nghỉ việc, trừ một số bộ phận kế toán, văn phòng làm việc nốt ngày 27/3.
Trung tâm dịch vụ lốp khá lớn ở Quận Hà Đông tạm đóng cửa |
“Do đặc thù làm lốp mất ít thời gian nên chúng tôi không có khách tồn. Môt số khách có sự cố về lốp trong ngày qua cũng gọi điện đến trước nhưng chúng tôi đều từ chối” - đại diện Trung tâm lốp Dân chủ cho biết.
Ghi nhận tại các khu vực Thanh Xuân - Hà Đông cũng cho thấy, đa số các garace, cửa hàng chăm sóc xe cũng đã “cửa đóng then cài”.
Ngay cả điểm rửa xe ô tô cũng không một bóng nhân viên |
Anh Thiên Nghiêm, chủ Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa ô tô ở Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, cho biết: "Vì dịch Covid nên chúng tôi phải đóng cửa từ 2 hôm nay. Đối với toàn bộ xe đang sửa chữa dở dang, chúng tôi phải hẹn khách 1-2 tuần nữa mới lấy. Khách nào không đồng ý thì chủ động liên hệ lấy xe về".
Cũng theo anh Nghiêm, từ đợt dịch diễn biến phức tạp ở Hà Nội, lượng khách đến sửa chữa xe giảm hẳn nên garace của anh thất thu đáng kể.
"Giờ cộng thêm khoản phải đóng cửa, tiền mặt bằng thì vẫn phải trả đều. Tôi cũng hỗ trợ lương cho anh em thợ nghỉ làm nữa nên khó khăn chất chồng... Chỉ hy vọng giai đoạn dịch bệnh này nhanh chóng qua đi không thì nguy cơ đóng cửa không phải là không nghĩ đến", anh Nghiêm nói thêm.
Khác với các garace ở vị trí trung tâm thường đông kín khách, một số garace ô tô nằm sâu trong ngõ nhỏ vẫn hoạt động nhưng lượng khách không còn nhiều.
Theo anh Trọng Nhân, chủ một garace nhỏ mang tên mình trên phố Lạc Nghiệp, quận Hai Bà Trưng, tình trạng vắng khách đã xuất hiện từ giữa tháng 3.
Riêng ngày 27/3, gần như garace không có khách. Anh Nhân vẫn duy trì hoạt động nhưng số thợ đã giảm từ 7 xuống còn 3. "Tôi chỉ giữ lại thợ tay nghề tốt, còn lại tạm cho về quê. Dịch còn kéo dài sẽ rất khó khăn, tôi đang tính đàm phán với chủ đất xin giảm tiền thuê," anh Nhân nói.
Tại quận Đống Đa, anh Lê Văn Thùy, giám đốc showroom Kia cho biết đại lý vẫn duy trì số nhân viên bán hàng, nhưng ở bộ phận xưởng đã áp dụng chế độ nghỉ luân phiên. Anh Thùy chia sẻ: “Dù không buộc phải đóng cửa nhưng lượng khách đến showroom gần đây giảm tới 80% so với trước Tết, điều này ảnh hưởng đến đội ngũ nhân viên bán hàng.”
Không chỉ showroom xe mới bị ảnh hưởng bởi dịch mà các showroom xe cũ cũng không bị tác động không kém. Than thở với phóng viên, anh Lê Xuân Bách, showroom Việt Nhật Auto (phố Trần Thái Tông) nói rằng hiện cửa hàng đã cho nhân viên nghỉ luân phiên, chỉ duy trì 5 người ở cửa hàng. “Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân hạn chế ra đường thì mình cũng nên tuân thủ. Giờ chúng tôi chuyển sang đẩy mạnh giao dịch online thôi,” anh Bách chia sẻ.
Cửa hàng bán xe máy cũng tạm nghỉ |
Dự báo từ các cơ quan chức năng, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp và khó khăn trước mắt đòi hỏi người dân, doanh nghiệp cần chung sức đồng lòng thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế để việc phòng chống dịch có hiệu quả.
Đình Quý- Nguyễn Hoàng- Y Nhụy
Hàng loạt hãng xe khủng hoảng vì Covid-19, Chính phủ các nước đau đầu giải cứu
Doanh số bán hàng giảm, sản xuất đóng băng, nguồn cung cạn kiệt là những gì mà các hãng xe đang phải trải qua. Lúc này cần có sự nhập cuộc của chính phủ các nước để làm “đòn bẩy” cho sự vực dậy của nền công nghiệp ô tô.