Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cận Tết là các gara ô tô hay trung tâm chăm sóc xe đông kín, còn thợ sửa xe tất bật luôn tay luôn chân từ sáng đến đêm.

Theo ghi nhận của VietNamNet, đến ngày 6/2 (27 tháng Chạp), khá nhiều gara ô tô tại Hà Nội đã nghỉ Tết. Những nơi còn mở cửa thì luôn ở trong tình trạng đông kín khách, thậm chí nhiều cơ sở đã đóng cửa ngừng tiếp nhận xe đến sửa chữa nhưng thợ bên trong vẫn làm để tập trung giải quyết "hàng tồn".

W-gara-hvktqs-1.jpg
Hầu hết gara sửa chữa ô tô tại Hà Nội hiện nay chỉ giải quyết "hàng tồn" chứ không tiếp nhận thêm xe đến sửa chữa. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Anh Đinh Văn Sơn - chủ cơ sở sửa chữa Sơn Auto tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, dịp cuối năm chính là là thời gian cao điểm nhất của các gara ô tô do tâm lý của khách hàng luôn muốn chiếc xe của mình vận hành trơn tru, sáng đẹp để đi chơi Tết, du xuân.

Tết năm nay, gara ô tô của anh Sơn thông báo nghỉ Tết từ ngày 25 tháng Chạp, tuy nhiên đội ngũ thợ vẫn phải làm việc để xử lý nốt "hàng tồn" là 5-6 chiếc xe đã nhận từ trước đó, đa số là của khách quen.

“Khách chủ yếu đem xe đến để kiểm tra, bảo dưỡng những hạng mục thiết yếu như: dầu máy, nước làm mát, điện, lốp, phanh, máy phát điện,… Mấy hôm nay, đội thợ máy, điện của chúng tôi làm việc hết công suất từ sáng đến tận tối mịt vẫn chưa hết việc. Riêng 2 thợ sơn của gara phải làm xuyên đêm để kịp trả xe cho khách đi Tết” - anh Sơn nói.

Nói về không khí làm việc những ngày cận Tết, anh Sơn cho biết, thợ sửa chữa ô tô ở cơ sở của anh chủ yếu là lao động đến từ các tỉnh, làm ăn xa nhà nên tâm lý muốn về ăn Tết sớm, không ai muốn đến ngày 26-27 Tết vẫn phải "chui gầm xe" cả. Để động viên tinh thần cho đội thợ bám trụ ở lại muộn, ai ở lại sau ngày 25, anh Sơn đều tăng gấp đôi tiền công. 

W-gara-bao-tin-2.jpg
Nhiều cơ sở gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động trong những ngày cận Tết. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Còn tại Trung tâm sửa chữa ô tô TYD (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dù đã có thông báo ngừng tiếp nhận xe từ ngày 23 Tết nhưng mấy ngày gần đây gara vẫn phải "sáng đèn" từ sáng đến đêm. 

"Hơn nửa số thợ đã xin về quê sớm nên chúng tôi thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong những ngày cận Tết, anh em quản lý nhiều ca cũng phải xắn tay vào làm cùng thợ cho nhanh. Mấy hôm nay, khách có đưa xe đến gara thì chúng tôi cũng chỉ biết "lắc đầu" vì không có người làm. Dự kiến đến 28 Tết là chúng tôi sẽ được nghỉ", kỹ sư Trần Duy Dũng - Giám đốc kỹ thuật trung tâm này chia sẻ.

Tương tự, gara ô tô Đại Linh của kỹ sư Lê Hồng Đại (thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) cũng cho biết: "Năm nay chúng tôi có lịch nghỉ Tết sớm và thông báo đến đông đảo khách hàng là chỉ làm đến hết 24 Tết. Dù vậy, nhiều người phút chót mới mang xe qua. Do toàn khách quen nên trường hợp nào sửa chữa nhỏ, nhanh thì chúng tôi mới nhận nốt, còn lại đều phải hẹn để qua Tết”, anh Đại chia sẻ với VietNamNet.

W-gara-dai-linh-3.jpeg
Gara của kỹ sư Lê Hồng Đại hoạt động hết công suất trong những ngày cuối năm. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Theo kỹ sư Lê Hồng Đại, nếu có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng, chủ xe nên mang xế cưng của mình đến các gara trước Tết khoảng nửa tháng đến một tháng. Việc để đến quá sát Tết mới đưa xe đến gara sẽ khiến các cơ sở này bị quá tải, vừa mất thời gian chờ đợi mà chưa chắc chất lượng dịch vụ đã là tốt nhất.

Anh Đại cũng cho rằng, với những hạng mục không quá cấp thiết, ít liên quan đến khả năng vận hành và an toàn thì chủ xe hoàn toàn có thể để lại qua Tết rồi đưa đến gara cũng chưa muộn.

Ngoài ra, trước mỗi chuyến đi dài như dịp Tết Nguyên đán sắp tới, chúng ta có thể tự kiểm tra một số hạng mục như: Lốp xe, nước làm mát, ắc-quy, nước rửa kính, hệ thống đèn,... và đảm bảo chúng vẫn vận hành ổn định để yên tâm hơn.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!