Để chuẩn bị cho những ngày nắng nóng sắp tới, tranh thủ thời tiết còn đang mát mẻ, nhiều chủ xe đã mang xe tới các gara để kiểm tra và bảo dưỡng lại hệ thống điều hòa.

Anh Phan Thanh Tùng (Hà Nội), chủ chiếc xe Mazda CX-5 cho biết điều hòa trên xe ô tô của anh gần đây làm mát yếu, lại có thêm mùi lạ như mùi gas dù không lấy gió ngoài, kiểm tra tấm lọc gió điều hòa thì vẫn thấy sạch. Vì thế, anh đã mang xe tới một gara ô tô ở Thanh Trì để tìm nguyên nhân.

Điều hòa làm mát yếu và có mùi lạ, chủ xe nên kiểm tra ngay các bộ phận của hệ thống điều hòa.

Tại đây, anh Tùng được chủ gara thông báo dàn lạnh của xe đã bị bục thủng. Anh khá ngạc nhiên vì xe anh không bị va chạm, cũng đi ít, chủ yếu để ở bãi xe. Nhưng đến khi được chủ gara tháo ra và cho xem tình trạng tồi tệ của dàn lạnh điều hòa, anh mới tá hỏa và yêu cầu thay mới mà không cần suy nghĩ.

Lười vệ sinh, dàn lạnh điều hòa ô tô bị thủng

Trao đổi với VietNamNet, anh Đào Anh Thiên - chủ gara ô tô ở đường Tân Triều mới, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, nhận sửa chiếc xe Mazda CX-5 của anh Tùng cho biết nguyên nhân dàn lạnh điều hòa bị thủng là do dàn bị bẩn lâu ngày không vệ sinh, bụi bẩn tạo thành một mảng dày, lại là nơi thường xuyên tích tụ hơi ẩm dẫn đến bị oxy hóa gây thủng.

Những xe mới mà đã bị hiện tượng này thì còn có thể là do vật liệu dàn lạnh của nhà cung cấp có chất lượng chưa tốt.

Dàn lạnh của chiếc xe Mazda CX-5 bị bụi bẩn, ẩm mốc và có rất nhiều phân chuột.

Anh Thiên cho biết, nếu chủ xe ngửi thấy mùi lạ, hôi ở trong xe thì đến 80% hiện tượng này sẽ là bị thủng dàn lạnh. Ngoài ra, thủng dàn lạnh còn làm hao gas nhanh khiến khả năng làm mát của điều hòa không còn như cũ.

Khi bị hiện tượng này mà chủ xe vẫn cố đi sẽ càng làm cho tình trạng hư hỏng các bộ phận liên quan trở nên nặng hơn, máy nén (lốc) có thể xuất hiện tiếng kêu rè rè ở khoang động cơ. 

"Trong trường hợp xe của anh Tùng, khi kiểm tra dàn lạnh điều hòa, ngoài bụi bẩn đóng kín còn có rất nhiều phân chuột. Nếu người ngồi trong hít phải mùi gas lẫn mùi phân chuột trong thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, xoang...", anh Thiên chia sẻ.

Bên cạnh lý do bị bám bẩn lâu ngày, oxy hóa, nguyên nhân thủng dàn lạnh còn là do dùng dàn lạnh quá thời hạn thay thế của nhà sản xuất, không thay lọc gió điều hòa, nạp gas kém chất lượng và do người dùng điều hòa không đúng cách dẫn đến đọng nước gây ẩm mốc.

Lốc điều hòa và dàn nóng của xe cũng cần được kiểm tra và vệ sinh sạch sẽ.

Thông thường, chi phí cho việc thay thế dàn lạnh và công vật tư sẽ từ khoảng 3-5 triệu đồng tùy vào từng loại xe. Trên thực tế, đồ thay thế cũng khá rẻ nhưng công tháo lắp dàn lạnh sẽ cao hơn do phải tốn nhiều thời gian cho việc tháo toàn bộ khu vực táp-lô, sau đó mới có thể kiểm tra và thay thế dàn lạnh nếu cần.

4 kinh nghiệm cơ bản để chăm sóc điều hoà ô tô

Vệ sinh lọc gió điều hòa theo định kỳ sau mỗi 5.000 km.

Để tránh rơi vào tình trạng hỏng hóc điều hoà ô tô không đáng có như trường hợp trên, anh Thiên chia sẻ 4 kinh nghiệm sau:

- Thường xuyên vệ sinh lọc gió điều hòa sau mỗi 5.000 km, sau 4-6 lần vệ sinh thì thay lọc gió điều hòa mới, giá bán lọc gió điều hòa ô tô phổ thông thường dao động từ 50.000 - 200.000 đồng.

- Kiểm tra và thay thế phin lọc gas dàn nóng sau một thời gian sử dụng từ 12-18 tháng. Nếu thay mới máy nén (lốc điều hòa) thì cũng thay mới luôn phin lọc gas dù chưa cũ để đảm bảo khả năng làm việc hiệu quả nhất. Giá của phin lọc này cũng chỉ từ 50.000-100.000 đồng.

- Vệ sinh dàn nóng bằng vòi xịt, tuy nhiên không nên xịt với áp lực nước mạnh nhằm tránh cong vênh các thanh lá tản nhiệt nhôm.

- Tắt điều hòa trên xe trước khi tắt máy từ 3-5 phút, điều này tránh cho việc dàn lạnh bị ngưng tụ hơi ẩm và từ đó giảm thiểu tình trạng ẩm mốc trên bề mặt dàn lạnh.

Ngô Minh

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!