- Nhiều người Việt ưa thích các món ăn từ côn trùng nhưng do chọn nhầm loài và chế biến sai cách, gây ra hàng loạt vụ ngộ độc, nhiều trường hợp đã tử vong.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế hôm qua cho biết việc sử dụng côn trùng như cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây… làm thức ăn, thậm chí thành đặc sản đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thưởng thức các loại côn trùng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc do ăn côn trùng, nhiều trường hợp đã tử vong.
Côn trùng chiên đang là đặc sản tại nhiều địa phương |
Mới đây nhất vào ngày 21/8, tại xã Nậm Khánh (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) xảy ra vụ ngộ độc do ăn nhầm phải sâu ban miêu khiến 2 người ngộ độc và 1 người tử vong.
Sự nhầm lẫn tương tự giữa sâu ban miêu và bọ xít cũng đã cướp đi sinh mạng của một cụ ông 70 tuổi tại Thanh Hóa. Do nhiễm độc tính, bệnh nhân nhập viện suy thận, suy gan, suy tim, nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu mức độ nặng... và tử vong sau đó 13 tiếng.
Trong năm 2015, đáng chú ý có vụ 5 người ở Sơn La ngộ độc do ăn bọ xít rang, đầu 2016 có 12 người bị ngộ độc do ăn bọ xít lửa tại Hòa Bình.
Giữa tháng 4 vừa qua, 3 người dân tại huyện Tiên Phước, Quảng Nam cũng phải vào viện cấp cứu do ăn bọ rầy rang. Dù được lọc máu nhưng 1 người đã không qua khỏi.
Theo Cục An toàn thực phẩm, các vụ ngộ độc thường là do sử dụng côn trùng đã chết (sinh ra độc tố); côn trùng bị nhiễm nấm độc hay chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía; côn trùng lạ chưa rõ độc tốc... hoặc các chất tiết có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; hay do cơ địa người ăn mẫn cảm với protein lạ trong côn trùng.
Trẻ em, phụ nữ có thai, người già hoặc người có uống rượu thường bị ngộ độc nặng hơn. Dấu hiệu ngộ độc phổ biến thường là buồn nôn, nôn, run tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, mẩn ngứa, ban mảng. Trường hợp nặng bệnh nhân sẽ bị co giật, kích thích vật vã, khó thở, lơ mơ, hôn mê, suy nội tạng, rối loạn đông máu, nhiễm trùng rồi tử vong.
Do hiện hiện chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về việc sử dụng côn trùng trong chế biến thực phẩm, do đó các chuyên gia khuyến cáo những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn; tuyệt đối không ăn các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ và không nên dùng các loại côn trùng lạ theo đồn thổi, chế biến thành các món tái, sống, hoặc ngâm rượu…
Phân biệt sâu ban miêu và bọ xít Người dân hay nhầm lẫn nhất giữa sâu ban miêu và bọ xít. Bọ xít cũng có độc nhưng phân hủy ở nhiệt độ cao còn sâu ban miêu thì không. Trong sâu ban miêu đực có chứa thành phần độc tính cantharidin, vào mùa sinh sản sẽ bài tiết để truyền tiếp sang con cái giúp bao bọc trứng.
Khi ăn phải những con chứa độc, chất cantharidin dính vào cơ thể sẽ gây phồng bỏng, ăn vào sẽ gây bỏng niêm mạc đường tiêu hóa, gây tổn thương, dẫn đến đau bụng, nôn và tiêu chảy nhiều. Nặng hơn gây viêm dạ dày ruột và xuất huyết tiêu hóa làm mất nước nghiêm trọng trong lòng mạch dẫn đến suy giảm chức năng thận. Tỉ lệ lớn những bệnh nhân nhiễm độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong. Tại Việt Nam, sâu ban miêu phân bố khắp nơi với hàng chục loài khác nhau. Đây là côn trùng nằm trong nhóm cực độc. |
Minh Anh