- Trao đổi với VietNamNet trưa nay - sau khi thí sinh kết thúc buổi thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 - TS Đặng Hoàng Giang, một tác giả có đoạn trích xuất hiện trong đề thi - nhìn nhận: "Đã đến lúc xã hội cần chuyện trò nhiều hơn về lòng thấu cảm".



Nhà báo Hạ Anh: Chào tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Anh suy nghĩ gì khi đề thi có đoạn trích trong tác phẩm của mình?

TS Đặng Hoàng Giang: Tôi thấy khá là vui.

Vui lớn hơn nữa là sự thấu cảm được đưa ra để các em suy tư, thảo luận và viết về nó. Tôi cũng rất tâm đắc khi Bộ GD-ĐT đưa chủ đề vào trong đề thi. 

Đã đến lúc xã hội cần chuyện trò nhiều hơn về chủ đề này. Thấu cảm là một trong những yếu tố nền tảng của xã hội. Nếu không có nó, ta sẽ có sự vô cảm, lạnh lẽo.

Như một câu hỏi trong đề thi, "thấu cảm là gì", thưa anh?

Nói một cách đơn giản, đó là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác. 

Tiếng Anh dùng hình ảnh “ta xỏ chân vào giầy của người khác”. Thấu cảm giúp ta hiểu người kia nghĩ gì, cảm xúc của họ ra sao, từ đó có cư xử thích hợp. 

Mặt khác, nó cho phép nhìn vào bên trong của mình, hiểu được phong cảnh nội tâm của chính ta. Những người không có khả năng này là những người “điếc” cảm xúc. 

Họ không nhận biết được cảm xúc của chính mình và của người khác, giống như người nghe một bản giao hưởng nhưng không phân biệt được tiếng của các nhạc cụ khác nhau, mà chỉ thấy một thảm âm thanh bùng nhùng. Người thiếu thấu cảm có một đời sống cảm xúc cằn cỗi, gây tác động tiêu cực tới chính mình và những người xung quanh.

Lòng trắc ẩn, thấu cảm của một thiếu niên khác gì với tuổi trung niên?

Thú vị là các em nhỏ thường có khả năng thấu cảm rất lớn. 

Các em chăm chú tới cảm xúc của chó, mèo, và sợ thú bông hay thậm chí một cái bút bị đau. 

Các em nhậy cảm trước sự vui buồn của bố mẹ, các em hỏi han bạn khi bạn có điều gì đó cần chia sẻ.

Tuy nhiên, khi lớn lên, ở nhiều người, sự thấu cảm phai nhạt, nhường chỗ cho sự cạnh tranh, chiến đấu. 

Những kỹ năng cứng, khả năng phân tích lên ngôi và được tưởng thưởng, thấu cảm bị xếp xó, thậm chí bị cho là có hại sự sự nghiệp thăng tiến. 

Trong một xã hội của tốc độ, của đua chen, của giành giật và ganh đua quyền lực, người ta không kiên nhẫn để lắng nghe người khác. Vậy nên, gia đình, nhà trường và cộng đồng càng phải tích cực nuôi dưỡng sao cho lòng thấu cảm không bị thui chột.

Tại sao anh lại viết "lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ thấu cảm"?

Trắc ẩn là mong muốn giúp đỡ người khác, giúp họ bớt đau khổ hơn. 

Chúng ta chỉ có thể giúp đỡ được khi chúng ta thấu hiểu người khác. 

Ngược lại, nếu không thấu hiểu, chúng ta sẽ phán xét, đàn áp, hạ nhục những người khác ta. Khi thấu cảm, ta có thể hiểu được nỗi đau của cô gái điếm nửa đêm phải đứng ở ngoài đường; vì sao một thanh niên nghèo và thất học lựa chọn con đường trộm chó. 

Khi hiểu được cuộc đời của họ thì ta phát triển mong muốn giúp họ xa rời hành vi xấu, tiến gần tới sự lương thiện. Không có sự thấu cảm, khoan dung thì không có lòng trắc ẩn được.


Anh cảm nhận như thế nào về lòng trắc ẩn cũng như sự thấu cảm ở thế hệ trẻ? Và anh mong muốn điều gì ở các em?

Như đã nói bên trên, sự thấu cảm và lòng trắc ẩn trong giới trẻ có chiều lung lay, bởi các em bị người lớn giáo dục là phải “chiến đấu”, “ở đời không ai cho ai cái gì”. 


"Tôi mong muốn các em giữ được sự giàu có cảm xúc, khoan dung. Một thế giới thiếu vắng sự thấu cảm và lòng trắc ẩn thì là một địa ngục

TS Đặng Hoàng Giang

Do đó, nhưng người mẫn cảm có thể cảm thấy mình lạc lõng, cô đơn. 

Tôi không muốn các con mình lớn lên trong một môi trường như vậy. 

Tôi mong muốn các em giữ được sự giàu có cảm xúc, khoan dung. Một thế giới thiếu vắng sự thấu cảm và lòng trắc ẩn thì là một địa ngục, cho dù nó có nhiều của cải vật chất tới đâu chăng nữa.

Theo anh, nên đưa những khái niệm về sự thấu cảm, lòng trắc ẩn vào đề thi Ngữ văn hay Giáo dục công dân?

Tôi nghĩ cả hai môn này đều nên tiếp cận những chủ đề này và các chủ đề tương tự.

Trau dồi lòng thấu cảm là một việc của giáo dục công dân, nhưng nếu không khéo, cách tiếp cận sẽ khô khan, giáo điều. 

Văn học có thể tạo ra cảm xúc, sự sáng tạo, sự say mê, tức là những gì quan trọng trong cuộc sống. Đây là những chủ đề mà cả hai môn học đều nên tiếp cận, chứ không chỉ có môn này, hoặc chỉ môn kia.

Theo anh việc học văn trong nhà trường nên thay đổi thế nào để đạt được mục đích đúng đắn của môn học này?

Dạy văn và học văn trong nhà trường cần đa dạng và uyển chuyển hơn, gần với cuộc sống hàng ngày hơn, thay vì chỉ học các danh nhân lịch sử, hoặc những bài thơ văn cách mạng – dễ khiến học sinh bão hòa hoặc thờ ơ, không phát triển được năng lực cảm nhận văn học của mình. 

Có thể đưa những vấn đề nghị luận xã hội của xã hội đương đại, để các em thấy gần gũi với mình, mà vẫn đề cập tới các vấn đề cơ bản của việc làm người. 

Làm được vậy, các em sẽ hứng thú, đào sâu và tiếp nhận một cách sáng tạo. Cách học này sau này sẽ giúp đỡ các em trong cuộc đời.

Cảm ơn anh!

Thực hiện: Hạ Anh - Thanh Hùng