Tác giả ấy là Lê Mây, vị nhạc sĩ năm nay đã 71 tuổi nhưng mỗi khi nói về Trường Sa ông lại không ngừng nói về những kỉ niệm, nỗi nhớ và niềm đau đáu một cách say sưa: “Trường sa vốn là niềm vui là nỗi buồn là cái gì đó căn cốt trong tôi rồi.”
|
Nhạc sĩ Lê Mây. |
Ông kể về chuyến đi Trường Sa năm ấy với 5 câu thơ mà ông đã từng sáng tác trong một ca khúc dành cho thiếu nhi:
Ở nhà con thỏ có lúc to bằng con trâu
Ra biển không lâu bé bằng con kiến
Cứ đi ra biển thế nào cũng gặp cô tiên
Cứ đi ra đảo thế nào cũng gặp ông tiên
Ông kể về tâm thế của một con người mà tuổi đời đã qua gần nửa con dốc bên kia của cuộc đời, nhưng đứng trước biển, trên những hòn đảo ông mới hiểu cái hình ảnh các chiến sĩ ôm súng đứng gác cho mảnh đất thiêng liêng ấy nó vĩ đại chừng nào. Ông bảo: “Giữa biển cả trùng khơi trên hòn đảo mình cảm thấy nhỏ bé lắm, nhưng những người ngày đêm đứng bên đầu sóng ngọn gió mà canh gác cho tổ quốc mới thấy họ lớn nhường nào. Ở đấy biển và đảo đã cho ta phép màu ta lớn hơn mình rất nhiều lần, để ta nhìn mọi thứ lớn lao hơn, sinh động hơn và linh thiêng hơn”.
Ông bảo viết bài hát nhanh vốn là sở trường của mình, nhưng khi trong chuyến đi ấy 7 bài hát mỗi bài 30 phút viết liên tục trong 8 đêm là kỉ lục của ông. Ông bảo lúc đó ông viết xuất phát từ cảm xúc từ rung động thật sự của một người đã quá nhiều trải nghiệm nhưng chưa một lần trải qua lần nào rung động đến như thế. Sóng, gió, biển cứ thế trôi vào trong từng vần thơ, bài hát và tâm hồn trong ông.
Nói về “Đảo chìm” bài hát ông rất tâm đắc ông kể một cách say sưa. Đảo chìm là ca khúc được ông sáng tác ngay trên hòn đảo nổi tiếng của quần đảo Trường Sa trong một chuyến mà ông vinh dự được một lần ghé thăm. Ông bảo những lời ca trong bài hát hoàn toàn là bức tranh thực ông vẽ về hòn đảo này.
“Đảo chìm không có cây
Đảo chìm trên có mây
Đảo chìm quanh năm sóng vỗ
Đảo chìm quanh năm bão tố
Như thép như gang mới đứng được ở nơi đây…!
Đảo chìm từng giây…từng giây
Cồn cào tình yêu nỗi nhớ!”
Từ xa 500m, tàu không vào được vì nó cạn lúc đó phải đi xuồng vào và nhìn về phía đảo chỉ thấy như một cái lô cốt. Không có màu xanh gì có thế sống được ở đó. Nên tôi đã viết bật ra ngay rằng: “Đảo chìm không có cây…”. Nhưng tại chính nơi ấy, khi nhìn vào những người lính tôi mới viết tiếp những dòng tiếp theo…
Nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ của những chàng lính trẻ chưa có vợ nó lớn biết vô cùng. Nhưng cũng chính những người lính ấy, chính những trái tim biết run rẩy trước nỗi nhớ ấy lại trở nên sắt đá trước mảnh đất đầu sóng ngọn gió ấy để bảo vệ cho vùng đất mẹ. Trái tim của người họ là một trái tim dành cho tổ quốc nhưng lại đầy tính nhân văn.
Và cuối cùng khi rời khỏi đảo, ông kể về những cảm xúc khi ngoảnh lại nhìn những chiến sĩ ở lại hướng theo con thuyền, ông kể về một niềm tin mà ngay lúc đó chợt đến trong ông: “Niềm tin cuối cùng là núi sông ta sẽ vẹn toàn…!”