Được thị trường quốc tế đánh giá cao

Khoảng 10.000 tấn gạo thơm chất lượng cao đã được Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang EU, chủ yếu là Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Đức, Pháp… trong 9 tháng năm 2021. Các chủng loại gạo Jasmine 85, DT 8, OM18, đặc biệt là Lộc Trời 28 đã được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nhờ đó, doanh nghiệp vừa có giá xuất khẩu cao, vừa được hưởng thuế 0%.

Lộc Trời là doanh nghiệp dẫn đầu cả nước xuất khẩu gạo sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong 9 tháng năm 2021, chiếm gần 70% lượng gạo xuất khẩu vào thị trường có nhiều hàng rào kỹ thuật bậc nhất này. Tuy gạo xuất sang EU chỉ chiếm một lượng nhỏ trong 100.000 tấn gạo xuất khẩu hàng năm của Lộc Trời, nhưng tỷ trọng gạo của doanh nghiệp này trong tổng lượng gạo của Việt Nam vào EU lên đến gần 70%.

“Kết quả này có được sau cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều năm nhằm khai thác tốt nhất các FTA với nhiều thị trường lớn”, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời khẳng định.

Đặc biệt, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí của kỹ sư Hồ Quang Cua đã góp phần khẳng định vị trí gạo Việt trên bản đồ gạo thế giới khi gạo ST24, ST25 đã đạt đến “đẳng cấp”: Có cùng hàm lượng amylose với gạo 5 lần ngon nhất thế giới là Khao Dawk Mali của Thái Lan, nhưng có độ bền gen cao hơn đến 15%. Điều này cho thấy, Việt Nam có thể tự tin với thời kỳ giá gạo "ngàn đô", thay cho mức giá trung bình 300 - 400 USD/tấn, chưa nêu đúng thực chất của giá trị gạo Việt.

Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp) cho hay, do chất lượng gạo Việt Nam được thế giới ưa chuộng nên ít khi có gạo tồn kho. Điều đáng nói là giá gạo của Việt Nam cao hơn nhưng các doanh nghiệp Philippines rất quan tâm đến gạo của Việt Nam, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Thái Lan tìm mọi cách đẩy mạnh bán gạo cho thị trường này.

Trong năm 2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở “top đầu”, cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống. Giá gạo cao sẽ hỗ trợ, bù đắp vào số lượng gạo xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch.

{keywords}
Gạo Việt khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới

Đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đang có sự chuyển dịch cơ cấu sang các loại gạo có giá trị cao và chinh phục các thị trường khó tính. Hiệp định EVFTA cũng sẽ là đòn bẩy giúp gạo Việt rộng cửa hơn vào các thị trường châu Âu cao cấp, khởi sắc việc xuất khẩu cả về số lượng và giá trị nhờ giảm phí trung gian và miễn, giảm thuế. Từ đó, doanh nghiệp Việt sẽ có điều kiện để tập trung vào chất lượng, đẩy mạnh phát triển thương hiệu gạo.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt. Trong đó, việc EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm với thuế suất 0%, được xem là cơ hội để gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường EU nói riêng và thế giới nói chung.

Để đáp ứng 509 tiêu chí trong danh mục quản lý chất lượng gạo vào EU, Viện Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng quy trình quản lý mùa vụ với các tiêu chí nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến khi ra thành phẩm với nhiều bước. Lộc Trời là một trong các doanh nghiệp Việt Nam có kết quả tận dụng EVFTA ấn tượng, đóng góp vào sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU từ tháng 8/2020 đến nay.

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long cho rằng, để giới thiệu các loại gạo ngon, mang thương hiệu của Việt Nam ra thế giới thì trước hết cần phải xây dựng thương hiệu gạo nội địa bài bản trước và cốt lõi vẫn là chất lượng. Phải quản lý chuỗi sản xuất từ khâu bao tiêu, đặt hàng sản xuất lúa từ nông dân, xử lý sấy, dự trữ, cơ sở chế biến chuẩn chỉnh từ xay xát đến đóng gói tiêu chuẩn gắn thương hiệu ngay tại nhà máy. Đặc biệt, tại các thị trường quốc tế mà sản phẩm gạo của Việt Nam có tín hiệu tốt, doanh nghiệp cần mạnh dạn xây dựng kênh phân phối gạo mang thương hiệu Việt Nam.

Việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt là quá trình dài, cần làm thương hiệu cho gạo, bao gồm thương hiệu Quốc gia, thương hiệu vùng miền và thương hiệu doanh nghiệp. Khi xây dựng được thương hiệu thì phải giữ gìn và bảo vệ được thương hiệu đó. Gạo ngon của Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường thế giới thì phải gầy dựng được sự tin cậy của khách hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị giải pháp đối phó tình trạng gạo trộn, kém chất lượng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân doanh nghiệp làm gạo tâm huyết, làm giảm giá trị gạo mà còn ảnh hưởng đến lòng tin khi chọn sản phẩm của người tiêu dùng.

Bài ảnh Bảo Anh