Theo bài báo có tựa đề tạm dịch: "Gạo giả làm bằng nhựa được đưa tin đã cập bến một số nước châu Á" đăng trên báo Straitstimes ngày 19/5/2015, loại gạo nhựa có tẩm nhựa độc đã được đưa đến một số nước châu Á. Được biết, cơm sau khi nấu bằng loại gạo này còn rất cứng.
Gạo nhựa được làm từ khoai tây, khoai lang và nhựa tổng hợp, các chất liệu này được đúc thành hình như hạt gạo thật. Loại gạo nhựa này được cho là đã du nhập vào các quốc gia châu Á có dân số nông thôn đông đúc như Ấn Độ, Indonesia. Tin đồn mới nhất cho biết loại gạo giả đã vào cả Singapore.
Các chuyên gia y tế và thầy thuốc chuyên khoa ăn uống cảnh báo ăn loại gạo giả này có thể gây chết người hoặc khiến hệ tiêu hóa bị hủy hoại trầm trọng.
Tin tức về gạo giả, được bán rất nhiều ở Trung Quốc, đặc biệt là ở thành phố Thái Nguyên, đã lan truyền trên các nền tảng phương tiện truyền thông xã hội như WhatsApp và Facebook.
Bộ Công nghiệp và Nông nghiệp Malaysia nói họ vẫn chưa nhận được tin tức gì về gạo giả, tuy nhiên Bộ trưởng Ismail Sabri Yaakob vẫn khẳng định người dân cần được tuyên truyền về cách nhận biết gạo giả. Ông cho biết những phàn nàn về hàng giả sẽ được Bộ Tiêu dùng, Hợp tác và Thương mại trong nước giải quyết. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật để nhận biết gạo giả" ông nói. "Chẳng hạn, chúng tôi sẽ chỉ cho người dân về sự khác nhau giữa gạo giả và gạo thật".
Bộ trưởng Thương mại Malaysia là Hasan Malek thì nói tin tức về gạo giả đang lan truyền trên mạng internet có thể là tin chính xác hoặc tin vịt, nhưng Bộ sẽ xem xét vấn đề nghiêm túc. "Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra trên cả nước", ông Datuk Seri Hasan nói và cho biết thêm nhóm điều tra sẽ tập trung vào các cửa hàng nhỏ để kiểm tra xem họ có bán gạo giả không, đặc biệt ở những vùng nông thôn.
"Chúng tôi sẽ thực hiện điều tra, nhưng tôi cũng muốn mọi người dân báo cáo với Bộ nếu họ có bất cứ thông tin gì. Tất cả báo cáo sẽ được giải quyết một cách tin cẩn".
Theo thông tin từ ngành công nghiệp lúa gạo, loại gạo giả sẽ không được bán công khai ở siêu thị và các cửa hàng lớn. "Nếu loại gạo này tồn tại ở Malaysia, nó sẽ chủ yếu được bán ở các cửa hàng nhỏ", một nguồn tin nói. Những người bán sỉ sẽ rất khó để gạo nhựa vượt qua các quy định nghiêm ngặt về nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, vẫn có khả năng gạo nhựa được buôn lậu qua các nước biên giới.
Trưởng chuyên gia dinh dưỡng của Viện Tim mạch Quốc gia (IJN) Mary Easaw-John cho biết: "Một số chất, chẳng hạn như keo nhựa, không thể ăn được và về lâu dài sẽ có những tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa".
Thực phẩm bị pha trộn hay làm giả là một vấn đề nhức nhối. Năm 2008, có khoảng 300.000 người đã bị bệnh và ít nhất 6 trẻ sơ sinh đã thiệt mạng khi sữa công thức Trung Quốc bị phát hiện có trộn lẫn chất melamine.
Cuối năm ngoái, melamine còn phát hiện có trong trứng Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên báo Singapore đưa tin về gạo giả. Từ cách đây 4 năm, truyền thông Singapore đã đưa tin gạo giả - sản phẩm gạo được tổng hợp từ hỗn hợp của bột khoai tây, khoai lang, nhựa - được bán tràn lan trên thị trường Trung Quốc, trong đó có thành phố Thái Nguyên.
Tại Việt Nam, hồi năm 2011, 2012 cũng rộ lên tin đồn có gạo giả ở Hà Nội, TP.HCM nhưng sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thì kết luận chính thức rằng thông tin gạo giả là không chính xác.