“Thứ trưởng khen quy hoạch đẹp nhưng không biết nhà mình có bị di dời hay không, do không gắn liền với toạ độ dải thửa”, là câu chuyện thực tế được PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, nêu tại Hội nghị Góp ý sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản, để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.
PGS.TS. Trần Kim Chung cho biết: “Mô hình cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cũng chưa phù hợp, còn lúng túng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. Chúng ta có thể hoàn thiện việc đăng ký căn cước công dân chỉ trong 3 tháng, do đó không khó khăn gì trong việc đăng ký cho đất đai.”
Ông Chung nêu vấn đề, thị trường bất động sản tăng giảm, nóng sốt diễn ra thường xuyên nhưng vẫn chưa có chỉ số tính toán trong lĩnh vực này. Thực tế, Việt Nam chưa có các chỉ số giá đất đai, nhà ở, bất động sản cũng như chỉ số thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản được công bố chính thức bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng hay Tổng cục Thống kê.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, minh bạch hóa thị trường cũng là điều rất quan trọng. Thông tin dữ liệu thị trường bất động sản quý như vàng nhưng quan trọng là phải có đầu mối làm việc này. “Chỉ số về giá, về sự lành mạnh của thị trường bất động sản được nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên, thế nào là thị trường lành mạnh? Chỉ số nằm ở đâu? Khi ngành ngân hàng, chứng khoán đều đang có chỉ số lành mạnh thì bất động sản lại chưa có”, ông Lực nói.
TS. LS. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, chỉ ra rằng, vấn đề huy động vốn trong đầu tư kinh doanh bất động sản đang nảy sinh nhiều bất cập. Rất nhiều dự án tiến hành huy động vốn khi chưa đủ điều kiện, vẽ ra các “dự án ma” để huy động vốn hoặc huy động vốn trái pháp luật nhằm chiếm dụng vốn trái phép của nhà đầu tư cá nhân, sử dụng vốn sai mục đích sau đó mất khả năng thanh toán. Rất nhiều biến tướng của các loại văn bản huy động vốn như hợp đồng vay, cam kết giữ quyền đặt mua, chuyển nhượng, đặt cọc… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà đến khi phát sinh tranh chấp thì hàng nghìn nhà đầu tư rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Ông Cường cho rằng, điều kiện để bất động sản hình thành trong tương lai được bán cũng là vấn đề đáng quan tâm. Rất nhiều dự án triển khai mua bán bất động sản hình thành trong tương lai nhưng không có sự bảo lãnh chính thức từ phía ngân hàng, mà theo quy định là phải có.
Giải pháp ổn định thị trường
Bàn giải pháp cho thị trường, PGS.TS. Trần Kim Chung kiến nghị, cần đưa vào các luật nội dung tính toán các chỉ số giá đất, giá nhà, giá bất động sản; chỉ số thị trường đất đai, thị trường nhà ở và thị trường bất động sản. Giao cơ quan quản lý đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản công bố chỉ số giá, chỉ số thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm. Đưa chỉ số đất đai, nhà ở và bất động sản vào tiêu chí thống kê của hệ thống thống kê quốc gia.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chỉ số giá có thể Nhà nước hoặc cá nhân, doanh nghiệp tổ chức và đưa ra các chỉ số nhưng Nhà nước phải là cơ quan can thiệp để quản lý nhằm đảm bảo các chỉ số giá được đưa ra phù hợp, chính xác.
"Chúng ta chuyển đổi số hơi chậm, một phần là thiếu minh bạch nhưng rõ ràng đây là xu thế tất yếu. Cần có quy định để kiểm soát, tăng khả năng thu thuế và tăng thu thập dữ liệu thông qua nền tảng số”, ông Lực nói.
Luật sư Trương Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - đánh giá, thị trường bất động sản nóng lên bởi yếu tố đầu cơ. Ông kiến nghị, Luật Kinh doanh bất động sản phải ngăn chặn vấn đề này bằng việc đánh mạnh vào tài chính như thuế, phí và biện pháp kỹ thuật. Vấn đề then chốt nhất để đạt mục tiêu tại Quyết định số 2161 là tăng nguồn cung và giảm đầu cơ.
Trong khi đó, TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, trước hết phải sửa các điểm chưa hợp lý; phải bổ sung những khoảng trống; phải làm rõ những vùng xám, vùng mờ; phải bổ quy những mô hình kinh doanh bất động sản mới, cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số,… để tạo hành lang pháp lý phù hợp cho thị trường bất động sản phát triển.
Để đảm bảo quá trình đồng bộ trong những quy định pháp luật thì ban chỉ đạo cần phải có sự thống nhất, thống nhất giữa các bộ để đảm bảo tính liên thông, khắc phục tính chồng chéo quan hệ giữa các luật cũng như bộ ngành. Việc sửa luật dù nhanh vẫn cần thời gian, vì vậy trong khoảng thời gian đó Chính phủ cần phải hướng dẫn cụ thể để giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
D.Anh