Giải mã gen Văn hoá Kiến trúc Việt Nam, KTS Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cùng cộng sự đã thực hiện khảo sát để bàn sâu về văn hóa trong Kiến trúc cộng đồng ở Nông thôn – Sự đứt gãy hiện tại và nhu cầu hàn gắn trong bối cảnh một xã hội tương lai chú trọng nhiều hơn tới bản sắc.
Sự đứt gãy phản ánh khá rõ qua kiến trúc
Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và củng cố an ninh quốc phòng của đất nước, nông thôn vẫn là một địa bàn quan trọng, nơi tập trung đến 60% dân cư và đóng vai trò không thể thay thế cả về kinh tế (với nông nghiệp là ngành chủ đạo) lẫn văn hóa (vì là nơi sinh sống tập trung của nhiều dân tộc thiểu số được biết đến nhờ bản sắc rất riêng biệt và độc đáo còn được lưu giữ tương đối bền vững qua nhiều thế hệ).

Trong hơn 10 năm, từ 2011 đến nay, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai trên phạm vi toàn quốc, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực ở nhiều vùng nông thôn, khi điện – đường – trường – trạm được đầu tư nâng cấp đồng bộ hơn để đạt chuẩn, kinh tế khởi sắc với những ngành nghề mới được mở mang để tạo công ăn việc làm và đem lại nguồn thu nhập thêm cho hàng triệu nông hộ bên cạnh các lĩnh vực kinh tế truyền thống tiếp tục được chú trọng.
Tuy nhiên, trên khía cạnh văn hóa, dường như những việc đã làm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mà thực tế đòi hỏi. Ở nhiều nơi, nhà văn hóa cộng đồng cùng một số công trình công cộng thiết thực với đời sống của người nông dân vẫn còn thiếu, hoặc nếu có thì đã xuống cấp hoặc được xây mới song không thể hiện được bản sắc vùng miền, và không thể không đề cập đến nguy cơ mai một của văn hóa truyền thống trước tác động mạnh mẽ của quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa đang lan rộng và vây ép các làng xóm.
Sự đứt gãy trong văn hóa nông thôn được phản ánh khá rõ ràng qua kiến trúc và vấn đề đặt ra là cần gắn lại những chỗ đứt gãy này để kiến trúc nông thôn thực sự khởi sắc.
Gắn lại những chỗ đứt gãy để kiến trúc nông thôn thực sự khởi sắc
Kiến trúc công cộng ở làng quê ngày xưa gồm có đình làng, miếu làng và chùa làng là những công trình chủ yếu và cũng là những điểm nhấn trong bức tranh tổng thể về cảnh quan làng xóm.
Ngoài chùa làng và đình làng còn có chợ làng với những lán xây tạm hoặc là các dãy nhà được xây cất nghiêm chỉnh trên một khu đất rộng gần đường cái hoặc bến sông tùy điều kiện từng nơi để thuận lợi cho giao thương. Trường làng không có, mà trẻ em đến nhà thầy đồ trong làng học chữ và nhà thầy đồ khi ấy kiêm chức năng lớp học.
Đình làng, với vai trò là nhà văn hóa cộng đồng, chính là công trình công cộng quan trọng bậc nhất ở nông thôn từ trước tới nay. Khác với chùa làng và miếu làng, đình làng không nhất thiết phải ở vị trí đẹp nhất mà thuận tiện nhất cho việc tiếp cận của người dân, thông thường ở chính giữa làng.
Với các dân tộc ít người, nhà văn hóa cộng đồng gần như là công trình công cộng duy nhất trong phạm vi khu ở là các làng bản, có thể được gọi với nhiều tên khác nhau và có nhiều hình thức kiến trúc phong phú, song đều có điểm chung – giống đình làng của người Kinh – là tọa lạc ở vị trí trung tâm của khu ở, có diện tích rộng rãi và kiến trúc nổi bật, là nơi cộng đồng giao tiếp và tham gia các hoạt động tập thể để tăng cường sự gắn kết xã hội. Kiến trúc của nhà cộng đồng, cũng như nhà ở truyền thống của mỗi dân tộc, mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc đó.
Tại những nơi mà tác động của đô thị hóa lên kiến trúc nông thôn được ghi nhận là đáng kể, nhà ở là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên, tiếp đó là công trình công cộng.
Ngoại trừ một số ít chùa và đình làng được giữ gìn nguyên vẹn hoặc được trùng tu thành công, phần lớn các công trình dạng này đã xuống cấp, đòi hỏi có kinh phí lớn để tôn tạo trong khi ngân sách địa phương khá hạn hẹp, công tác xã hội hóa cũng gặp không ít trở ngại, không thể đủ để cải tạo hoặc trùng tu một cách đồng bộ. Kết quả là công trình được chia thành nhiều gói, thực hiện khá lắt nhắt, không hiệu quả, hoặc bị trì hoãn nhiều năm nên công trình tiếp tục xuống cấp.
Sau này, nông thôn Việt Nam dần xuất hiện một số thể loại công trình công cộng mới như trường làng, trạm xá, trụ sở chính quyền,… Tiếp theo, khi đời sống được cải thiện, nhu cầu nảy sinh, những thể loại khác mới hình thành như nhà văn hóa, thư viện, ủy ban,…
Chương trình phát triển nông thôn mới được triển khai khắp các tỉnh thành trong nước từ năm 2011 đến nay đã chú trọng việc nâng cao đời sống văn hóa cho cộng đồng cư dân nông thôn, với hệ thống nhà văn hóa thôn bản, thư viện cộng đồng, công trình thể thao,… được đầu tư có hệ thống và quy củ hơn.
Tuy nhiên, điểm hạn chế của chương trình này chính là việc áp dụng có phần cứng nhắc cũng như đại trà một số lượng ít ỏi mẫu thiết kế được điển hình hóa, dẫn đến tình trạng đơn điệu, nhàm chán và lặp lại quá nhiều lần.
Dù đã có những chuyên gia cảnh báo và khuyến cáo, vấn đề này chậm được khắc phục và sửa chữa, một phần do “quán tính” của “đoàn tàu” đang tăng tốc để về đích đúng thời hạn và nỗ lực bằng mọi cách trong khả năng có thể để đạt chuẩn nông thôn mới.