Trước những thời cơ và thách thức đặt ra trong thời kỳ mới, để thực hiện được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng nước ta là tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trong một bài nghiên cứu sâu sắc, tác giả Đinh Giang cho rằng, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Thứ nhất, tích cực đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền (đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ công tác trong lĩnh vực văn hóa) và toàn dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, hệ giá trị văn hóa đối với việc bồi đắp dân khí và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước; từ đó xây dựng ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam trong mỗi công dân, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc phát huy giá trị văn hóa, đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Đấu tranh, ngăn ngừa kịp thời các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Thứ hai, đổi mới thể chế văn hóa, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa. Gắn kết văn hóa với chính trị, với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và địa phương; lồng ghép hoạt động bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hóa trong triển khai chiến lược phát triển văn hóa và du lịch Việt Nam. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý lễ hội, hiệu quả hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế Nhà nước đặt hàng các doanh nghiệp hoặc tổ chức xã hội để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ mới phù hợp với nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thứ ba, triển khai hiệu quả “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển từng ngành công nghiệp văn hóa với những lộ trình, mục tiêu ưu tiên và giải pháp phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, có tính chuyên môn hóa cao và đồng bộ, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế về tài nguyên văn hóa đa dạng, hệ giá trị văn hóa Việt Nam để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có sức cạnh tranh; nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra các sản phẩm văn hóa đa dạng với hàm lượng tri thức cao, mang đậm giá trị văn hóa dân tộc; đổi mới hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tạo điều kiện thu hút và khuyến khích các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và nghệ sĩ tham gia vào các hoạt động văn hóa nhằm đa dạng hóa nguồn lực vật chất và sáng tạo cho phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Từng bước xây dựng cơ chế tự chịu trách nhiệm của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật khi sáng tạo và sản xuất sản phẩm văn hóa. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển văn hóa. Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động tôn vinh, khen thưởng kịp thời gương “người tốt, việc tốt”; xây dựng những mô hình mang tính biểu tượng trong xã hội (cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ...) với những phẩm chất tiêu biểu, tạo dựng được lòng tin cho mọi người, có sức chinh phục và lan tỏa trong xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Thực hiện chính sách đãi ngộ các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu có công bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài nước phát huy tài năng, tâm huyết để sáng tạo, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp trong xã hội.
Thứ sáu, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa củng cố, nâng cao ý thức quốc gia - dân tộc và tôn trọng ý thức dân tộc - tộc người; bảo đảm sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, tăng cường vị thế, sức mạnh tổng hợp quốc gia với phát huy lợi thế của tính đa dạng về mặt địa lý, văn hóa, xã hội và nhân văn của từng vùng, địa phương, địa vực; tăng cường giáo dục tình cảm, niềm tin, lòng tự hào đối với lãnh tụ của quốc gia - dân tộc, của chế độ chính trị, đi đôi với chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ ở các cấp, nhất là cán bộ địa phương là người dân tộc thiểu số và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản; tăng cường vai trò của quốc ngữ (tiếng Việt) đi đôi với tôn trọng, phát huy tiếng mẹ đẻ các tộc người trong chính sách ngôn ngữ quốc gia; đẩy mạnh giáo dục để lan tỏa những giá trị có tính biểu tượng cao quý và thiêng liêng của quốc gia - dân tộc (quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, quốc lễ, quốc phục, quốc hoa, quốc tửu, quốc yến...) đi đôi với tôn trọng, phát huy các loại hình văn hóa đa dạng của từng cộng đồng dân tộc, địa phương (như hệ thống lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, trang phục, nghề truyền thống, ẩm thực, kho tàng văn hóa dân gian, tri thức dân gian…); qua đó, bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Như Quỳnh, Minh Hưng, Anh Duy