Gắn bó với công tác đội từ năm 1992 đến nay, thầy Lâm Duy Phong (SN 1969), giáo viên, Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) như một người “anh lớn” trong gia đình của các thế hệ học sinh.
Thầy luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ, động viên các em. Bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, học sinh có những thay đổi về tâm lý, sinh lý.
Hiểu rõ tâm lý của lứa tuổi này, cách mà thầy Phong có thể lắng nghe và đồng cảm, giúp đỡ các em nhiều hơn là tạo lập các nhóm Zalo, Messenger, hộp thư “Điều em muốn nói với thầy, cô” để các em gửi gắm điều muốn nói.
Trao đổi, trò chuyện trực tiếp sẽ có những chuyện khó giãi bày, nhưng bằng kênh này, nhiều em đã mạnh dạn, tự tin chia sẻ những điều “thầm kín” với thầy, cô giáo.
Giới trẻ hiện tại tiếp cận và rất nhạy bén với mạng xã hội. Nắm bắt đặc điểm và khai thác lợi thế, mạng xã hội sẽ rất hữu dụng, là sợi dây gắn kết thêm tình thầy trò khi cùng tìm được tiếng nói đồng cảm.
Thầy Phong trò chuyện: “Muốn truyền lửa cho học sinh thì bản thân mình phải có “lửa”, lửa đam mê, lửa của kiến thức, lửa của sự yêu thương, bao dung.
Mỗi người đều có cách truyền lửa khác nhau nhưng để các em có niềm đam mê với học tập, tích cực tham gia các hoạt động đoàn, đội, chia sẻ những điều ngại nói, trước tiên thầy cô phải yêu thích, tâm huyết khơi dậy hứng thú học tập, sáng tạo của các em, quan trọng hơn là “chỗ dựa tin cậy”.
Còn với cô Hoàng Thị Bình, cựu giáo chức TrườngTHCS Phan Đình Phùng (thôn An Bình, xã Chứ Kpô, huyện Krông Búk), mặc dù nghỉ hưu gần 12 năm nay nhưng trong cuộc sống của mình vẫn không thiếu vắng hình bóng những cô cậu học trò.
Và cách mà cô và các thế hệ học sinh kết nối, tương tác với nhau hằng ngày chính là qua Facebook.
Nếu trước đây phải đến dịp 20/11 hay Tết cổ truyền cô trò mới có dịp gặp nhau chuyện trò thì ngày nay nhờ mạng xã hội đều đặn cô Bình vẫn nắm được thông tin các thế hệ học trò của mình trưởng thành, thành công như thế nào qua mỗi tấm hình chia sẻ trên trang cá nhân, hoặc là những vui, buồn các em gặp phải qua dòng trạng thái đăng tải.
Về phía mình, cô Bình cũng thích đăng tải hình ảnh lên trang cá nhân. Vì vậy, mỗi khi tham gia liên hoan gặp mặt cựu giáo chức cô Bình đều chụp hình, đăng Facebook, nhờ đó các thế hệ học sinh dù ở nơi đâu cũng thấy được thầy cô giáo cũ đang vui vẻ, mạnh khỏe...
“Mỗi câu bình luận thăm hỏi sức khỏe, chúc mừng cô giáo, hay thả biểu tượng trái tim, bông hoa của người quen, của học trò thấy lòng lâng lâng xúc cảm. Dẫu cô trò không gặp nhau thường xuyên ngoài đời, nhưng qua mạng xã hội Facebook đều đặn nhìn thấy nhau cũng đủ ấm áp, khoảng cách cô - trò ngày càng được rút ngắn”, cô Bình chia sẻ.
Từng công tác ở Trường THPT Phan Bội Châu (huyện Krông Năng) đến năm 2007, sau đó chuyển về giảng dạy tại Trường THPT Lê Qúy Đôn (TP. Buôn Ma Thuột), dù vậy cô giáo Lê Thị Hương (giáo viên tiếng Anh) vẫn thường xuyên trao đổi, trò chuyện với học trò của trường cũ qua Zalo, Facebook.
Cô Hương tâm sự: “Cứ thấy hình cô chia sẻ lên trang Facebook cá nhân là các em vào bình luận nào là cô trẻ hơn ngày xưa; cô còn nhớ em không?; năm nay, cô có làm chủ nhiệm lớp không?... là niềm động viên lớn đối với mình”.
Hay như các em học sinh lớp cô Hương đang giảng dạy thường xuyên tương tác với cô trên các nhóm Zalo để học bài, làm bài tập, tranh thủ khi trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa các bạn rủ cô chụp hình đăng Facebook làm kỷ niệm.
Nhờ vậy cô giáo không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người chị, người bạn để các em chia sẻ những câu chuyện riêng tư khi cần.
Công nghệ số và mạng xã hội đã tác động đến mọi mặt của đời sống. Với tình cảm thầy cô và mái trường, cách lưu giữ và gắn kết cũng có thêm nhiều phương thức khác.
Những kỷ niệm không chỉ gói ghém, đong đầy trong trang lưu bút, cuốn nhật ký; việc tìm lại thầy xưa bạn cũ không chỉ là trực tiếp, qua điện thoại mà còn có sự hỗ trợ của người bạn mang tên mạng xã hội, để sự kết nối, gắn bó không biên giới, không giới hạn không gian và thời gian.
Theo KIM HUẾ (Báo Đắk Lắk)