Xa quê đã hơn chục năm, bà Nguyễn Thị Nguyệt, hiện đang định cư tại Cộng hòa Liên bang Ðức, luôn đau đáu nhớ về quê hương, nơi “chôn nhau, cắt rốn”, nơi có nhiều người thân, bạn bè đang sinh sống. Giáp Tết, nỗi nhớ ấy càng trở nên da diết hơn.
Trước đây, để thỏa nỗi nhớ mong, những người Việt Nam trong khu vực bà sinh sống thường hẹn gặp gỡ nhau vào một ngày áp Tết và cùng nhau chuẩn bị những món ăn truyền thống ở quê nhà. Nhà nào cũng cố gắng tự gói hoặc mua vài cái bánh chưng, hộp mứt; nấu nồi măng, làm đĩa nem… để tìm kiếm hương vị Tết Việt.
Gần đến giao thừa hoặc sáng mồng một Tết lại tranh thủ gọi điện về Việt Nam thăm hỏi người thân. Khi đó, giá cước điện thoại gọi quốc tế rất đắt đỏ nên chỉ nói được vài câu là phải tắt máy. Ðã không ít lần bà bật khóc sau mỗi cuộc điện thoại vì nhớ nhà, nhớ quê, nhớ Tết.
Giờ đây, với công nghệ số, nỗi nhớ quê của bà đã vơi bớt đi nhiều vì bà có thể “gặp” bất cứ ai chỉ với một cuộc gọi video bằng điện thoại thông minh có kết nối internet.
Không chỉ được nghe tiếng nói, bà như có thể nhìn thấy người thân vì âm thanh, hình ảnh rõ nét, chân thật. Không gian, không khí Tết ở quê như ùa qua màn hình điện thoại để bà có thể, cảm nhận cho thỏa nỗi nhớ mong. Bà Nguyệt bày tỏ: Trước đây, mỗi khi đến Tết, tôi rất nhớ nhà, nhớ quê, nhưng giờ đây, tôi rất mong chờ đến Tết để có nhiều thời gian tâm sự, chia sẻ với người thân qua điện thoại.
Ngày Tết, anh, chị, em, con cháu về quây quần tại nhà mẹ tôi ở quê, mọi người chụp ảnh, quay video gửi sang cho tôi hoặc trực tiếp gọi video cho tôi.
Qua màn hình điện thoại, tôi nhìn thấy mặt tất cả những người thân yêu, được chuyện trò thỏa thích với từng người nên tôi rất vui.
Nỗi nhớ nhà, nhớ quê cũng vì thế mà vơi bớt. Mặc dù đã lâu không về Việt Nam nhưng tôi cảm nhận được sự đổi thay từng ngày của quê hương, đất nước mình.
Gọi video cho người thân trong ngày tết
Gọi video cho người thân trong ngày tết

Công nghệ số không chỉ giúp kết nối, giao lưu tình cảm giữa những người thân ở xa nhau mà còn giúp họ thể hiện sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Chị Nguyễn Thị Hương ở phường Bần Yên Nhân (thị xã Mỹ Hào - Hưng Yên) và em gái ở cách nhau hàng nghìn cây số nhưng vẫn luôn dành cho nhau sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Không có điều kiện thường xuyên gặp nhau, hai chị em liên lạc qua điện thoại để kể chuyện, tâm sự cùng nhau và mua đồ gửi cho nhau. Mỗi khi đi công tác, du lịch ở đâu đó thấy có gì hay, tốt, chị Hương lại mua để gửi tặng em gái và em gái chị cũng vậy.

Chị Hương tâm sự: Hai chị em tôi ở xa nhau nhưng tôi cảm thấy như em gái vẫn luôn ở bên mình. Mọi việc chị em tôi đều tâm sự, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Chiếc điện thoại đã kéo gần khoảng cách, giúp chị em tôi gần gũi, thân thiết hơn. Các con của tôi và các con của em gái mặc dù rất ít khi gặp nhau, nhưng cũng khá  thân thiết. Chúng vẫn có thể dạy nhau học, rủ nhau cùng chơi thông qua chiếc điện thoại thông minh. Nhóm zalo của gia đình tôi thường xuyên tương tác. Có công việc thì cùng nhau bàn bạc trên nhóm. Từ khi công nghệ số phát triển, tình cảm gia đình tôi thêm gắn bó, thân thiết và có điều kiện để thể hiện tình yêu thương cũng như chăm sóc nhau tốt hơn".

Ngày Tết, ngày của gia đình đoàn tụ, sum vầy nhưng vì điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nên không phải ai và lúc nào cũng có thể thỏa mãn được ước mong đoàn viên. Chính sự phát triển của điện thoại thông minh và các nền tảng số đã giúp khoảng cách về không gian dường như không còn tồn tại. Mọi người có thêm nhiều thời gian, điều kiện để thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến những người mình yêu thương khiến tình cảm thêm gắn bó. 

Vốn chỉ là một tính năng được tích hợp trên các ứng dụng di động, giờ đây, gọi video đã là một trong những điều không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Từ Facebook, Instagram, Zalo…, người dùng có vô vàn sự lựa chọn để kết nối với người thân của mình ở phương xa. Gọi video được sử dụng quanh năm, nhưng đến dịp Tết, các cuộc gọi này lại mang nhiều cảm xúc, ý nghĩa hơn. Những lời dặn dò, hỏi thăm, thậm chí là cả những giọt nước mắt xúc động của những người thân khi không thể cùng nhau đoàn viên trong ngày Tết khiến cho các cuộc gọi đong đầy cảm xúc. 

Công nghệ số rất tiện ích và là phương tiện hữu hiệu để con người thể hiện tình cảm, sự quan tâm đến nhau. Tuy nhiên, không phải vì thế mà sự quan tâm, gặp mặt ngoài đời thực giảm đi giá trị. Chẳng công nghệ nào có thể thay thế được bản thân con người với tình cảm và sự rung động của con tim. Chỉ có trái tim mới chạm đến trái tim. 

Ngày Tết, mọi người đều mong muốn được trở về với gia đình, cội nguồn, là dịp để mọi người quây quần, gác lại công việc, để cùng người thân, bạn bè chào đón năm mới. Thế nhưng, với nhiều gia đình có người thân ở xa, họ chỉ có thể gặp mặt người thân của mình qua màn hình điện thoại. Khi đó, công nghệ số chính là sợi dây kết nối tình cảm, lan tỏa tình yêu thương, mang lại cái Tết trọn vẹn hơn cho nhiều gia đình.

Theo Mai Nhung (Báo Hưng Yên)