Tại Tọa đàm xây dựng thương hiệu Quốc gia cho nông sản Việt do Báo Thanh niên tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu năm, các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp đã lưu ý, hiện tại có 80% sản lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 7/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng các doanh nghiệp cũng đã tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế, trong đó có 04 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu vượt trội so với cùng kỳ là rau quả (3,2 tỷ USD, tăng 68,1%), gạo (2,58 tỷ USD, tăng 29,6%), cà phê (2,76 tỷ USD, tăng 6%), hạt điều (1,95 tỷ USD, tăng 9,8%).
Bởi vậy, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản trong bối cảnh thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chất vấn tư lệnh ngành nông nghiệp và ngành công thương về những giải pháp khắc phục tình trạng hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, còn bị ùn ứ tại các cửa khẩu và bị rớt giá.
Quan tâm tới hiệu quả gắn kết giữa công tác thông tin, dự báo thị trường xuất khẩu nông sản và công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu, đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá thực trạng này; trách nhiệm của Bộ trưởng; định hướng phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương trong thời gian tới để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản việt.
Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết định hướng thúc đẩy hoạt động thu mua, tiêu thụ lúa gạo, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, cân nhắc khi sửa đổi Nghị định số 107 năm 2018 của Chính phủ, bổ sung các chủ thể như đơn vị trực thuộc, chi nhánh trực thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty kinh doanh lúa gạo có quy mô lớn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào các đối tượng có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu lúa gạo. Trên thực tế thời gian qua, các chủ thể này là những đơn vị xuất khẩu gạo có nhiều năm kinh nghiệm, có năng lực và có thị trường xuất khẩu ổn định.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt là vấn đề quan trọng, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản và là biện pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam. Trên thực tế hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam mặc dù được xuất khẩu trên thị trường quốc tế nhưng vẫn chưa có thương hiệu.