|
Các cơ quan Đảng, Nhà nước cần phải tiên phong triển khai chữ ký số một cách sâu rộng. |
Mới có 9,5% tỉnh thành “thức thời”
Tại Việt Nam hiện đang triển khai 2 hệ thống chứng thực chữ ký số (gọi tắt là CA), gồm hệ thống CA công cộng - nơi cấp chứng thư số/chữ ký số cho các giao dịch điện tử giữa cơ quan Chính phủ với người dân, doanh nghiệp (G2C, G2B), và hệ thống CA chuyên dụng - nơi cấp phát chứng thư số cho các giao dịch điện tử giữa các cơ quan Đảng, Chính phủ với nhau (G2G). Trong đó, hệ thống CA chuyên dụng được cấp phát bởi 1 tổ chức duy nhất là Trung tâm Chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ thuộc Ban cơ yếu Chính phủ, Bộ Nội vụ.
Từ cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 34 về việc tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của CQNN, trong đó yêu cầu Bộ Nội vụ phải phối hợp với Bộ TT&TT và Bộ Công an phát triển kế hoạch ứng dụng hạ tầng khoá công khai (PKI), chữ ký số để bảo đảm bảo mật, xác thực thông tin trong việc sử dụng hệ thống email của các CQNN.
Trên thực tế, Ban Cơ yếu Chính phủ đã rất tích cực thúc đẩy ứng dụng chữ ký số. Trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam, một cán bộ của Ban Cơ yếu Chính phủ dẫn chứng, đơn vị này đã tổ chức hội thảo toàn quốc giới thiệu về chữ ký số hồi tháng 10/2010; đã phối hợp với Cục Ứng dụng CNTT Bộ TT&TT gửi các văn bản thông báo về việc ứng dụng chữ ký số tới các CQNN; đưa các thông tin về ứng dụng chữ ký số vào các chương trình CNTT quốc gia...
Một điểm cần nhấn mạnh rằng các CQNN không phải trả phí cho việc ứng dụng chữ ký số chuyên dụng, trong đó có chữ ký số gắn với email trao đổi trong nội bộ CQNN hoặc giữa các CQNN với nhau. Kinh phí để Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát chứng thư số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước đang được Nhà nước “chu cấp”.
Thế nhưng theo thống kê vừa được Bộ TT&TT công bố thì đến hết năm 2010, ứng dụng chữ ký số trong việc gửi và nhận văn bản, thư điện tử của các CQNN mới được áp dụng tại khoảng 9,5% tỉnh thành trên cả nước.
Ở khối các cơ quan Bộ, ngành, kết quả cũng rất khiêm tốn, mới chỉ có một vài “gương điển hình” triển khai chứng thư số và phần mềm phục vụ ký xác thực trên hệ thống thư điện tử như Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ… Ngay cả Kho bạc Nhà nước được đánh giá là đơn vị tiên phong trong ngành Tài chính ứng dụng thành công chữ ký số trong hệ thống thanh toán điện tử liên kho bạc ngoại tỉnh (từ tháng 5/2006) thì tới năm 2010 vẫn không thể triển khai được việc sử dụng chứng thư số cho hệ thống email và hệ thống chuyển nhận công văn qua mạng.
Cần văn bản pháp lý
Chia sẻ về hiện trạng còn quá ít CQNN sử dụng chữ ký số để gửi email, chuyên gia của Ban Cơ yếu Chính phủ nêu một số lý do như chữ ký số còn mới và chưa có nhiều CQNN biết đến; một số cơ quan đã biết nhưng để triển khai thì còn phải làm nhiều thủ tục như xác định nội dung, lập kế hoạch, dự toán, trình phê duyệt thì mới thực hiện được, trong khi đó, năm 2011, kinh tế vẫn tiếp đà suy giảm khiến các CQNN tiếp tục phải cắt giảm chi tiêu nên có thể chậm triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến này.
Song theo nhận định chủ quan của phóng viên Bưu điện Việt Nam, còn có một nguyên nhân khác đó là các CQNN vẫn chưa nhìn nhận đúng mức về sự cần thiết phải sử dụng chữ ký số khi gửi email.
Tại một cuộc hội thảo về chữ ký số, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & CNTT, Bộ Công Thương bày tỏ rằng, ở cơ quan mình không có nhu cầu bởi bản chất của chữ ký số là đảm bảo tính an toàn, bảo mật và toàn vẹn thông tin, trong khi đó, các email thường chỉ có nội dung như thông báo lịch họp… không cần thiết phải “nêu cao tinh thần bảo mật”, còn những nội dung có tính “mật” thì theo quy định không được “tự do lưu chuyển” trên môi trường mạng.
Mới đây, lại có thêm một “lực cản” khác làm chậm tiến độ “nhúng” chữ ký số vào email ở các CQNN là các Bộ, ngành đang rất tích cực triển khai hệ thống quản lý điều hành văn bản, trong đó, mỗi cá nhân khi được phân quyền đều đã được gán với tên, chức danh, quyền hạn cụ thể, và theo đánh giá của một số lãnh đạo CNTT chính xác thì khi đó đã đảm bảo tính xác thực định danh của người gửi email, không cần thiết phải có chữ ký số.
Những lý giải nêu trên có thể chấp nhận được ở thời điểm hiện tại, khi môi trường làm việc điện tử liên cơ quan vẫn chưa được thành hình, các CQNN vẫn đang trao đổi công văn theo hình thức giấy tờ truyền thống (có dấu đỏ). Tuy nhiên, trong tương lai, khi hoạt động giao dịch, trao đổi giữa các CQNN được tiến hành trên môi trường điện tử thì việc ứng dụng chữ ký số khi gửi email là điều hết sức cần thiết, nhất là với bối cảnh không gian mạng ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh rất cao.
Nên chăng cần có một văn bản pháp lý bắt buộc các CQNN phải sử dụng chữ ký số khi gửi thư điện tử.
Các cơ quan Đảng, Nhà nước cần phải tiên phong triển khai chữ ký số một cách sâu rộng. Đặc biệt, các cơ quan Bộ, ngành từ trung ương đến địa phương phải phối hợp với nhau để triển khai ứng dụng chữ ký số trong hoạt động quản lý hành chính công nhằm hướng tới mô hình Chính phủ điện tử.
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt