Vườn Quốc gia Tam Đảo thuộc tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích hơn 15.000ha. Đây còn được xem là lá phổi xanh của các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, điều hòa khí hậu, mang lại môi trường sống trong lành cho cả vùng. Vì vậy, Vườn quốc gia Tam Đảo có giá trị bảo tồn sinh học cao.
Theo thống kê, đây là nơi cư ngụ của gần 1.300 loài động vật, có 63 loài mang nguồn gen quý hiếm, 39 loài đặc hữu được sách đỏ Việt Nam ghi nhận. Vườn có 1.240 loài thực vật bậc cao thuộc 645 chi của 169 họ thực vật của 5 ngành khác nhau, trong đó có 42 loài đặc hữu và 85 loài nguy cấp quý hiếm.
Tỉnh Vĩnh Phúc còn được đánh giá là mạng lưới quan trọng trong các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu với gần 160 loài.
Địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không phải là điểm nóng về mua bán, săn bẫy động vật hoang dã nhưng với giá trị kinh tế cao, trên địa bàn vẫn xuất hiện rải các các vụ việc liên quan tới mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học.
Xác định bảo tồn đa dạng sinh học vô cùng quan trọng nên trong thời gian qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều kế hoạch giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn ngừa tội phạm đa dạng sinh học.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 08/ 2023 về "Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã và bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh".
Thực hiện Quyết định số 1623 của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 263 về việc triển khai Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh” nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù của tỉnh.
Theo kế hoạch từ nay tới năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung về công tác tuyên truyền từ đó nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật về Đa dạng sinh học bảo vệ động vật, thực vật, nguồn gen...
Cơ quan công an phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các chuyên đề xử lý nghiêm hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội, các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.
Đối với nhân lực trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học sẽ tập trung xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ của trình độ cao, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật trong công tác phòng, chống tội phạm bảo vệ đa dạng sinh học.
Đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho công tác điều tra, thông tin về các vụ việc liên quan tới hoạt động xâm phạm đa dạng sinh học trên các phương tiện thông tin đại chúng mang tính răn đe, giáo dục.
Hằng năm, các địa phương đổi mới các hình thức tuyên truyền về bảo vệ, bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã, nhất là các loài động vật, thực vật hoang dã nhóm IA, IIA, IB, IIB và thuộc Phụ lục I Công ước CITES. Chú trọng đối tượng tuyên truyền là người dân ở khu bảo tồn, tuyến di cư và điểm đến của các loài chim hoang dã. Đưa chuyên đề về bảo vệ đa dạng sinh học thành hoạt động truyền thông thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và giáo dục tại các nhà trường.
Chi Cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên giám sát, kiểm tra chặt chẽ công tác nuôi gây động vật hoang dã, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm việc nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã không ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học và sức khỏe con người.
Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh nhất là các khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo và Bình Xuyên nên lồng ghép nội dung chương trình phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác ở địa phương từ đó vừa nâng cao cải thiện đời sống người dân, ý thức trách nhiệm bảo tồn đa dạng sinh học.