- Theo kế hoạch phòng chống MERS-CoV, Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương dự trù kinh phí cho tình huống khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam là trên 88 tỉ đồng.
Sáng 18/6, trước tình hình dịch MERS-CoV tại Hàn Quốc diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp đến kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương.
Báo cáo với Bộ trưởng, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện cho biết, trong 2 tuần vừa qua, mỗi ngày có 2-3 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm MERS do đi từ các vùng có dịch đến khám. Một số trường hợp còn chủ động xin cách ly luôn.
Tuy nhiên đến nay tất cả các trường hợp xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với MERS, một số ca sốt xét nghiệm dương tính với cúm A.
Bộ trưởng Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sáng 18/6 |
Bệnh viện cũng đã bố trí 2 phòng riêng biệt ngay bên ngoài khu khám bệnh để tiếp nhận những trường hợp đến khám vì nghi ngờ.
Theo kế hoạch phòng chống MERS-CoV, Bệnh viện bệnh nhiệt đới TƯ dự trù kinh phí cho tình huống khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam là trên 88 tỉ đồng.
Tình huống xuất hiện ca bệnh là gần 105 tỉ đồng; Khi dịch lây lan trong cộng đồng là 133 tỉ.
Chi phí này bao gồm toàn bộ việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, đào tạo, tập huấn, vệ sinh môi trường, truyền thông...
Sẽ cách ly bệnh nhân MERS khỏi nội thành
PGS.TS Kính cho biết, trường hợp số ca mắc MERS ít, bệnh viện sẽ dành toàn bộ khoa cấp cứu tầng 2 để cách ly, đồng thời lên danh sách những người tiếp xúc bao gồm cả người nhà và nhân viên y tế yêu cầu ăn ở luôn tại bệnh viện để tránh lây lan ra cộng đồng. Nếu đông hơn nữa, sẽ tính đến phương án cách ly toàn bệnh viện.
Tuy nhiên kế hoạch này không nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng Y tế.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương yêu cầu tất cả bệnh nhân đến khám phải đeo khẩu trang |
Theo Bộ trưởng, khi dịch MERS vào Việt Nam cần phải chuyển toàn bộ bệnh nhân sang cơ sở 2 của Bệnh viện Nhiệt đới tại Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội để cách ly. Hệ thống máy móc, nhân viên y tế cũng phải đi theo và ăn ở luôn tại đó, tránh lây lan ra cộng đồng.
"Cơ sở 1 hiện quá chật chội, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất nhanh. Khi có ca bệnh càng không thể đưa sang Bạch Mai nơi mỗi ngày tiếp đón 3.000-5.000 bệnh nhân. Tốt nhất tiến hành cách ly tại cơ sở 2, tránh tình trạng phải đóng cửa bệnh viện", Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành Y tế cam kết sẽ bổ sung kinh phí để mua thêm máy thở, máy lọc máu, phục vụ công tác phòng chống dịch, giảm tối đa tỉ lệ tử vong.
Bà cũng khuyến cáo, người dân cần thay đổi thói quen kéo theo đông người khi đi thăm bệnh nhân để hạn chế lây nhiễm.
Xác định chống nhiễm khuẩn là khâu then chốt, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh cho biết, đến nay 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã được kích hoạt công tác này.
Bộ Y tế cũng đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho các khu vực tập trung đông người Hàn Quốc sinh sống và khu vực đông người Việt Nam từ Hàn Quốc trở về.
Tính đến ngày 18/6, sau gần 1 tháng phát hiện ca nhiễm MERS đầu tiên, Hàn Quốc đã ghi nhận 165 ca nhiễm với 23 trường hợp tử vong. Riêng ngày 18/6 có thêm 3 ca tử vong mới trong đó có 2 y tá ở 2 bệnh viện địa phương tham gia chăm sóc điều trị cho bệnh nhân. |
Thúy Hạnh