Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm đến nay đã có gần 8.000 cuộc gọi của người tiêu dùng đến liên quan đến các sự vụ mà người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi. Từ thực tế cho thấy, hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang diễn ra khá phổ biến.
Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin, Tư vấn đào tạo - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, số lượng cuộc gọi tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng (NTD) tại Bộ Công Thương qua tổng đài 1800.6838 ngày càng tăng mạnh.
Nếu như năm 2011 tổng đài chỉ nhận được 26 cuộc gọi thì sau 9 năm hoạt động, năm 2020, tổng đài đã nhận được gần 8.000 cuộc gọi cần tư vấn, khiếu nại của NTD. Các phản ánh của người tiêu dùng chủ yếu liên quan đến dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, tín dụng tiêu dùng; hàng hóa tiêu dùng hàng ngày; dịch vụ điện thoại, viễn thông...
Những con số nói trên cho thấy, NTD ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình. Nếu như trước đây, khi quyền lợi bị xâm phạm, NTD còn khá e dè trong việc phản ảnh lại với cơ quan chức năng để được giải quyết, thì nay, họ đã chủ động hơn trong vấn đề này.
Là “tín đồ” mua sắm hàng hóa online, chị Nguyễn Quỳnh Trang, phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhiều lần đã nhận được sản phẩm không đúng so với những gì các shop bán hàng online quảng cáo, sau khi gọi lại phản ánh và đòi bồi thường nhưng không thỏa đáng chị vẫn tặc lưỡi bỏ qua.
“Một phần do giá trị sản phẩm không lớn, phần khác khi làm to chuyện sẽ liên quan đến nhiều cơ quan công quyền khác nhau nên sẽ rất mất thời gian, lại tăng thêm cảm giác bực bội. Những thương vụ nhỏ lẻ như vậy không chỉ mình mà nhiều người khác vẫn thường chấp nhận, coi đó như một “tai nạn” khi mua sắm online”, chị Trang tâm sự.
Không giống như chị Trang, anh Hoàng Gia Bảo (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ khi biết đến Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Bộ Công Thương số máy 1800.6838, mỗi khi gặp vấn đề với chất lượng hàng hóa cũng như dịch vụ anh thường gọi và thông báo đến tổng đài để được tư vấn và xử lý theo đúng quy định. Từ cách làm này, nhiều vụ tranh chấp lớn, nhỏ anh đều được bên cung cấp giải quyết thỏa đáng.
“Chỉ cần nhấc máy điện thoại và bấm số là tôi đã nhận được sự tư vấn nhiệt tình của các cán bộ chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực này. Điều này khác hẳn so với trước đây, khi quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm thì NTD không biết kêu oan ở đâu. Hoặc nếu biết thì cũng rất ngại vì phải đến tận nơi để trình bày sự việc”, anh Bảo cho biết.
Lộ thông tin cá nhân vẫn là thực trạng nhức nhối
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống đã giúp nâng cao quyền của NTD cũng như trách nhiệm của DN.
Con số khoảng 1.000-1.500 vụ việc khiếu nại đã được Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng giải quyết trong 1 năm đã minh chứng cụ thể cho điều này. Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng thừa nhận, trên thực tế, con số này còn rất khiêm tốn so với thực tế giao dịch tiêu dùng tại Việt Nam.
Bởi trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, lại có sự hỗ trợ tích cực của công nghệ thông tin, nền tảng số hóa thì việc thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị tiết lộ đang trở thành một nguy cơ, khiến cho tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng có phần gia tăng.
Quả thực, không khó để một DN có thể mua được danh sách khách hàng với thông tin chi tiết từ số điện thoại, email, nơi ở, thông tin cá nhân... Các DN sử dụng những thông tin này để gọi điện, nhắn tin, gửi email với những mục đích khác nhau, và đã xuất hiện nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa đảo người tiêu dùng...
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay, đã tiếp nhận nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn từ mạng xã hội có nội dung cung cấp thông tin lừa đảo. Nhiều trường hợp đã bị dẫn dụ rồi nộp cho đối tượng lừa đảo một khoản tiền, từ một vài triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng.
Điều này cho thấy, dù đã có Luật liên quan đến các quyền lợi của người tiêu dùng song vẫn còn tình trạng vi phạm luật, thậm chí vi phạm một cách công khai và tinh vi hơn. Do đó, để giảm thiểu thực trạng này, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi DN cần phải nỗ lực hơn trong việc đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ NTD. Cùng với đó, NTD hơn lúc nào hết cũng cần nâng cao tính cảnh giác, thông thái hơn trong các giao dịch, đặc biệt là trong quá trình mua sắm online./.
Theo Báo điện tử VOV