Thông tin từ CMC InfoSec cho hay, các trường hợp bị lây nhiễm loại mã độc tống tiền mới WannaCry (còn gọi là WannaCrypt0r, WannaCrypt) rải rác ở cả các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và các tỉnh lân cận TP.HCM. Trong đó, số lượng máy bị lây nhiễm mã độc WannaCry tại Hà Nội là khoảng 400 máy, còn tại TP.HCM là khoảng hơn 200 máy, chủ yếu là server.
Cũng theo đại diện CMC InfoSec, các nạn nhân của mã độc tống tiền WannaCry tại Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với hệ thống cảnh báo bảo mật khá mỏng yếu; các doanh nghiệp cung cấp và cho thuê server, tên miền, dữ liệu hệ thống và các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến có các hoạt động chia sẻ file, lưu trữ dữ liệu lớn. “Hiện tại, chưa có cách nào để giải quyết việc khôi phục các file đã bị mã hóa và có doanh nghiệp đã chấp nhận trả tiền để chuộc lại dữ liệu của mình”, đại diện CMC InfoSec chia sẻ.
Tuy nhiên, con số vừa được CMC InfoSec đưa ra chỉ là ghi nhận từ hệ thống của doanh nghiệp bảo mật này. của doanh nghiệp này. Số lượng trường hợp bị nhiễm mã độc WannaCry tại Việt Nam trong thực tế có thể lớn hơn.
Ngay trước đó, trong thông tin phát vào chiều ngày 15/5/2017, Công ty Bkav đã cho biết, mã độc tống tiền WannaCry hiện đã lây nhiễm hơn 200.000 máy tính tại hơn 90 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mã độc này có khả năng lây nhiễm các máy tính ngang hàng thông qua lỗ hổng nên tốc độ lây lan rất nhanh. Đáng chú ý, theo nghiên cứu của Bkav, tại Việt Nam hiện có tới 52% máy tính tồn tại lỗ hổng EternalBlue.
Ngay sau khi làn sóng tấn công mạng bằng Ransomware WannaCry diễn ra tại các quốc gia trên thế giới (ngày 13/5), các đơn vị chuyên môn tại Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo xử lý, cập nhật bản vá để chống mã độc. Cụ thể, vào tối ngày 13/5/2017, Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT đã đưa ra hướng dẫn cách xử lý khẩn cấp mã độc tống tiền WannaCry đối với người dùng cũng như các tổ chức, doanh nghiệp để tránh thiệt hại do mã độc này gây ra. Tiếp đó, Trung tâm VNCERT - đơn vị thuộc Bộ TT&TT làm đầu mối điều phối ứng cứu sự cố quốc gia đã phát lệnh điều phối, yêu cầu các đơn vị trên toàn quốc theo dõi, chặn kết nối đến các máy chủ điều khiển mã độc nguy hiểm này.
Để phòng ngừa nguy cơ mã độc tấn công, các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng nên sao lưu dữ liệu thường xuyên, cập nhật bản vá cho hệ điều hành, đồng thời chỉ mở các file văn bản nhận từ Internet trong môi trường cách ly Safe Run. Người dùng cũng cần cài phần mềm diệt virus thường trực trên máy tính để được bảo vệ tự động.