Sự việc xảy ra tại Trường Kỹ thuật và Dạy nghề Y tế Đức Thánh ở Thanh Viễn, Quảng Đông, Trung Quốc. Hiện tại, gần 700 sinh viên năm nhất của trường này đã đồng loạt bỏ học.
Theo chia sẻ của phụ huynh, kể từ khi khai giảng đến nay, con chưa đến trường học ngày nào. "Dịch bệnh đã kết thúc, nhưng con tôi vẫn phải học online (trực tuyến). Hầu hết các buổi học đều không có giảng viên dạy, con được thông báo đây là tiết tự học", một phụ huynh chia sẻ.
"Tôi cho con đi học để có kiến thức, nhưng thầy cô không dạy. Vậy đứa trẻ sẽ học gì?", một phụ huynh bức xúc nói. Phụ huynh khác tiết lộ thêm: "Năm nay trường tuyển sinh được 7 lớp, nhưng chỉ có 1 giảng viên. Một người không thể dạy được 7 lớp. Vì tuyển sinh quá chỉ tiêu, nên trường không đủ giảng viên".
Ngoài ra, sinh viên của trường cũng khẳng định, 1 tháng nay các lớp đều không có giảng viên. "Chúng em đã nhiều lần phản ánh với nhà trường, nhưng tình hình không được cải thiện", một sinh viên nói.
Trước đó, khi nghe phản ánh của sinh viên về tình trạng không có giảng viên, nhà trường khẳng định sau kỳ nghỉ Quốc khánh (từ ngày 29/9-6/10) các lớp học sẽ trở về bình thường. Tuy nhiên, đến giờ sinh viên Trường Kỹ thuật và Dạy nghề Y tế Đức Thánh vẫn phải tự học.
Liên quan vấn đề này, chiều 24/10, đại diện nhà trường cho biết: "Trường học đáp ứng được yêu cầu cơ bản và vẫn có giảng viên. Tuy nhiên, chúng tôi đang trong quá trình triển khai dạy học kỹ thuật số.
Mục đích ban đầu của trường là để sinh viên học cách tự lập và số hóa theo xu hướng hiện nay. Nhưng có lẽ, đây không phải là biện pháp phù hợp, sự thiếu tương tác giữa người dạy và người học đã dẫn đến hậu quả khiến chúng tôi không thể lường trước".
Trường Kỹ thuật và Dạy nghề Y tế Đức Thánh bắt đầu đào tạo từ năm 2018. Theo kế hoạch tuyển sinh của nhà trường năm 2023 là 2.640 chỉ tiêu. Số sinh viên thực tế nhập học năm nay là 2.968. Theo đó, mỗi lớp sẽ thừa từ 70-88 sinh viên.
Trong khi đó, năm 2022, chỉ có 954 sinh viên nhập học. So với năm 2023, chỉ tiêu tăng hơn gấp đôi, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giảng viên. Trước đó, ngày 19/10, trường ra thông báo tuyển dụng giảng viên các ngành: Điều dưỡng, Y học phục hồi, Dược, tiếng Trung, Toán và các chuyên ngành khác.
Liên quan đến việc vì tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu, dẫn đến tình trạng thiếu giảng viên, nhà trường cho biết: "Chúng tôi sẽ cố gắng kiểm soát số lượng sinh viên trong khuôn viên trường xuống khoảng 6.000, tức là chỉ tiêu mỗi khóa là 2.000".
Tính đến ngày 21/10, có 698 sinh viên của trường đồng loạt bỏ học. Hiện tại, các phụ huynh đang trong quá trình yêu cầu nhà trường hoàn trả học phí. Theo đó, tùy vào từng ngành, học phí phụ huynh đóng cho nhà trường đầu năm dao động từ 3.500-25.000 NDT (11-83 triệu đồng).
Chiều 25/10, đại diện phòng giáo dục TP Thanh Viễn chia sẻ với báo chí: “Chúng tôi đã nắm bắt được tình hình sự việc”. Hiện tại, phòng giáo dục đã thành lập tổ công tác điều tra và xử lý vụ việc.
"Bước đầu tiên, chúng tôi yêu cầu nhà trường xử lý thủ tục cho các sinh viên nghỉ học và hoàn trả đầy đủ học phí", đại diện phòng giáo dục nói thêm.
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự thất vọng với nhà trường. Phần lớn họ quyết định cho con nghỉ học vì lo ngại chất lượng giảng dạy và cách quản lý của nhà trường.
"Tôi không có sự lựa chọn khác, nên đành cho con nghỉ học. Tôi sẽ tìm trường tư khác để con tiếp tục đi học. Ở Đông Quản (Trung Quốc), có nhiều trường dạy nghề, nên tôi không quá lo lắng về vấn đề này", một phụ huynh chia sẻ.
Một sinh viên khác lại bày tỏ sự đắn đo: "Bố mẹ em chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu phải tiếp tục học, em cảm thấy không thoải mái".
Theo Sohu