Số liệu vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ tại Lễ công bố Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2013 vừa diễn ra ngày 30/12/2013 ở Hà Nội.

Những con số trên cho thấy các doanh nghiệp vẫn chưa xem website của cơ quan Nhà nước là “kênh” quan trọng giúp thu thập được thông tin hiệu quả phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, cũng có khoảng 48% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến (tăng hơn một chút so với năm 2012); 25% doanh nghiệp đánh giá dịch vụ công trực tuyến rất có ích cho hoạt động kinh doanh của mình; 58% doanh nghiệp cho biết dịch vụ công trực tuyến tương đối có ích.

Cũng theo báo cáo EBI, đã có 83% doanh nghiệp sử dụng email để nhận đơn đặt hàng của người tiêu dùng và khách hàng (năm 2012 là 70%); 43% doanh nghiệp có website và 35% doanh nghiệp đã nhận đơn đặt hàng qua website (năm 2012 là 29%);  37% doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội để quảng bá website; 12% doanh nghiệp đã tham gia các sàn thương mại điện tử; 15% doanh nghiệp chưa sử dụng bất cứ công cụ, hình thức nào để quảng bá cho website của mình…

Xét 4 tiêu chí gồm nguồn nhân lực và hạ tầng ICT, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giao dịch trực tuyến giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp, VECOM đã công bố top 5 địa phương dẫn đầu về EBI gồm: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai. 5 địa phương đứng cuối bảng gồm Điện Biên, Bắc Cạn, Kon Tum, Đăk Nông, Hậu Giang.

Chỉ số EBI được VECOM xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương nhằm giúp các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhanh chóng đánh giá được một cách định lượng tình hình ứng dụng thương mại điện tử trên phạm vi cả nước cũng như tại mỗi địa phương trong từng năm, qua đó dễ dàng so sánh sự phát triển qua các năm.

EBI 2013 được xây dựng trên cơ sở điều tra khảo sát hơn 3.000 doanh nghiệp trên cả nước.