Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, hiện nay ở Việt Nam có gần 20 tỉnh, thành phố đã tổ chức hội thảo và ký thoả thuận hợp tác (MOU) với các doanh nghiệp viễn thông - CNTT để xây dựng các dự án thí điểm về phát triển đô thị thông minh.

Phát biểu khai mạc hội thảo "Xây dựng đô thị thông minh và ứng dụng IoT" diễn ra tại Hà Nội sáng 12/4, ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ TT&TT cho hay, trong những năm gần đây, nhiều đô thị trên thế giới tuyên bố sẽ chuyển đổi thành đô thị thông minh, tức là đưa thành phố hiện tại trở thành một thành phố thông minh nhờ áp dụng công nghệ, đặc biệt là các công nghệ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (ICT). Trong quá trình đó, ICT được ứng dụng một cách hiệu quả từ khâu quy hoạch đô thị cho đến cải thiện tình trạng giao thông, nâng cấp hệ thống hạ tầng điện, nước, cho đến việc cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tăng năng lực cạnh tranh của thành phố.

Nắm bắt được xu thế trên, từ năm 2015, chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng nghiên cứu về phát triển đô thị thông minh. Đây đang là một chủ đề nóng, được các cấp chính quyền trung ương và địa phương quan tâm.

{keywords}

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho rằng Việt Nam có thể học tập và hưởng lợi từ việc xây dựng đô thị thông minh như ở các nước khác trên thế giới.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa thuộc Bộ TT&TT khẳng định, Việt Nam có thể học tập và hưởng lợi từ việc xây dựng đô thị thông minh như tại các nước khác trên thế giới. Chẳng hạn như, hệ thống quản lý nước thông minh được triển khai tại Trung Quốc, Brazil và Quatar đã giúp giảm 40 - 50% tỉ lệ rò rỉ nước. Hệ thống quản lý rác thải thông minh tại thành phố Cincinnati, Mỹ giúp giảm khoảng 17% tỷ lệ phát xạ ô nhiễm từ rác thải. Hệ thống giao thông thông minh đang áp dụng trên các tuyến cao tốc ở Anh giúp giảm tới 30% thời gian đi lại và góp phần giảm 50% các vụ tai nạn giao thông. Hệ thống quản lý đèn đường thông minh tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha đã giúp tiết kiệm khoảng 30% năng lượng, ...

"Xây dựng đô thị thông minh là một vấn đề mới, nên để ra được định hướng chính thức cần có thời gian nghiên cứu, lấy được ý kiến đồng thuận chung của các cơ quan, ban, ngành, người dân và doanh nghiệp", ông Phúc nói.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục tin học hóa, Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển đô thị thông minh. Cụ thể, Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1/11/2016 Hội nghị Trung ương khóa XII về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế” đã đề cấp đến việc “ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh”. Quyết định số1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cũng đặt mục tiêu phát triển tối thiểu 3 đô thị thông minh ở VN.

Mới đây nhất, văn bản số 10384/VPCP-KGVX ngày 01/12/2017 của Văn phòng Chính phủ đã nêu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc triển khai xây dựng đô thị thông minh phải thống nhất từ trung ương đến địa phương, phù hợp xu thế chung và điều kiện của VN để phát triển bền vững. Thủ tướng cũng giao cho Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả.

{keywords}

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.

Về hiện trạng xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam, ông Phúc cho biết, một số thành phố ở Việt Nam cũng đã quan tâm bắt tay vào việc xây dựng và phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh, điển hình như TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, ... Trong quá trình đó, các công ty viễn thông, CNTT đóng vai trò khá tích cực và quan trọng để giới thiệu các giải pháp xây dựng đô thị thông minh cho chính quyền. Thời gian qua ước tính có gần 20 tỉnh, thành phố đã tổ chức hội thảo và ký thoả thuận hợp tác (MOU) với các doanh nghiệp viễn thông - CNTT trong và ngoài nước để xây dựng các dự án thí điểm về phát triển đô thị thông minh.

Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng gửi văn bản đến Bộ TT&TT xin ý kiến về các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh. Điểm chung đối với các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh là thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT vào công tác quản lý đô thị, từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân, phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý đô thị bằng cách giải quyết các vấn đề tồn tại của đô thị; phát triển hạ tầng CNTT, cung cấp các dịch vụ cơ điện tử để hướng đến cung cấp các dịch vụ thông minh liên quan đến một số lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục, môi trường…

Theo lãnh đạo Cục tin học hóa, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy quá trình triển khai, xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Trước mắt, Bộ sẽ đưa ra mô hình tham chiếu về các dịch vụ đô thị thông minh để các địa phương có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp, đáp ứng được nhu cầu và giải quyết được các vấn đề bức thiết của địa phương. 

"Ngoài việc ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh để các địa phương có thể đặt ra mục tiêu, biết địa phương mình đang ở mức độ nào về thành phố thông minh và đánh giá kết quả sau mỗi một năm thực hiện, Bộ TT&TT cũng sẽ tập trung xây dựng các tiêu chuẩn về thành phố thông minh, nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn, bảo mật thành phố thông minh", ông Phúc nhấn mạnh.

Tuấn Anh