Thông tin từ Bộ LĐTB&XH, đến ngày 16/8, cả nước đã có 37/63 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách gần 1,27 triệu lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác. Trong số này có khoảng trên 100.000 người bán lẻ vé xổ số lưu động.
28/63 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở các khu vực phía Nam) đã chi trả hỗ trợ gần 962.000 người, với tổng kinh phí gần 1.364 tỷ đồng.
Ngoài ra, các tỉnh đã thực hiện chi trả hỗ trợ gần 164.000 đối tượng đặc thù của địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ trên 182,3 tỷ đồng.
Sau một tháng triển khai Nghị quyết 68, cả nước có hàng chục triệu người dân được thụ hưởng chính sách, hàng triệu người lao động được hưởng hỗ trợ bằng tiền mặt.
Nhiều tỉnh, thành phố đã có cách làm sáng tạo, chủ động mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt là công tác triển khai chính sách của TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai rất đúng hướng.
Thông tin từ BHXH Việt Nam cho biết, việc triển khai đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 đến nay đã giải quyết tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho 238 đơn vị với số tiền trên 292 tỷ đồng tại 35/63 tỉnh thành.
Cơ quan BHXH tại 60/63 tỉnh thành đã xác nhận danh sách cho 274.610 lao động của 15.179 đơn vị để hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Trong đó, có 178.280 lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương của 14.044 đơn vị.
Lao động tự do đang rất khó khăn |
Trên 15.230 lao động nghỉ việc không lương tại 526 đơn vị để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
Đặc biệt, gói chính sách chi hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động nhằm duy trì việc làm đã có 2 đơn vị được xác nhận với 170 lao động.
Riêng gói chính sách giảm mức đóng về 0% vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, BHXH Việt Nam đã triển khai xong từ cuối tháng 7, với số tiền giảm trên 4.300 tỷ đồng, cho hơn 375.000 đơn vị đang sử dụng trên 11,2 triệu lao động.
Địa phương tích cực triển khai
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Hà cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 đã được địa phương bắt tay thực hiện ngay từ khi có chỉ đạo của Chính phủ kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Đối với nhóm chính sách do BHXH thực hiện, BHXH tỉnh đã thông báo cho 4.041 đơn vị được giảm đóng vào quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho 237.924 lao động với số tiền giảm gần 5,8 tỷ đồng/ tháng (ước tính 62,973 tỷ đồng cho 12 tháng). Duyệt cho một doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của 4.885 lao động với số tiền gần 4,5 tỷ đồng/tháng.
Tại Thái Thái Nguyên, nhóm chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên thực hiện hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, phê duyệt và giải ngân hồ sơ vay vốn cho 41 người sử dụng lao động vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh cho 25.657 lao động với số tiền hơn 87 tỷ đồng…
Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp người lao động đã phê duyệt danh sách hỗ trợ người lao động với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 15,8 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Hải cho biết, BHXH tỉnh đã thực hiện giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện xong cho 2.970 đơn vị, với tổng số 162.356 người lao động. Tổng số tiền được giảm lũy kế tính đến tháng 8/2021 là gần 9,8 tỷ đồng, dự kiến số tiền giảm đóng tổng 12 tháng là 57,86 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên cũng đã cho một doanh nghiệp vay vốn trả lương 260 lao động để khôi phục sản xuất kinh doanh, với số tiền hơn 3 tỷ đồng.
10.000 cán bộ, nhân viên y tế vào Nam chống dịch được hỗ trợ 2 triệu/người
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đồng ý hỗ trợ cho khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế chi viện cho miền Nam chống dịch Covid-19 với mức 2 triệu đồng/người.
Gia Văn – Kiên Trung