Dự kiến chiều 17/10, UB Thường vụ QH cho ý kiến báo cáo này trước khi trình ra QH vào kỳ họp tới đây.
Theo đó, dự án này có tổng mức đầu tư theo phương án Chính phủ chọn là gần 111.700 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD).
Chính phủ xác định đây là công trình giao thông hàng không cấp đặc biệt, sẽ được đầu tư bằng vốn DN hàng không và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật trong thời gian từ 2020-2025.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư xây dựng 1 đường băng cất hạ cánh, 1 nhà ga với công suất đón 25 triệu hành khách mỗi năm với tổng diện tích 373.000m2, nhà ga hàng hóa tiếp nhận 1,2 triệu tấn hàng mỗi năm và các hạng mục phụ trợ.
Ngoài ra còn có hệ thống giao thông kết nối trực tiếp với sân bay. Cụ thể, tuyến số 1 nối sân bay với quốc lộ 51 có quy mô 6 làn xe; tuyến số 2 nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 4 làn xe.
Chọn ACV và VATM đầu tư 4 hạng mục quan trọng
Trong 4 hạng mục đầu tư quan trọng, riêng các công trình phục vụ quản lý bay Chính phủ dự kiến giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của DN. Lý do, VATM là DNNN và là DN duy nhất được cung cấp dịch vụ công ích quản lý, điều hành hoạt động bay tại Việt Nam.
3 hạng mục còn lại, Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện. Đó là hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; các công trình thiết yếu của cảng hàng không; các công trình dịch vụ.
Việc giao 3 hạng mục này cho ACV, theo lý giải của Chính phủ, dự án này có thể sử dụng phần vốn cổ phần hóa DNNN của ngành hàng không, vốn DN nên việc giao ACV có thể xem xét chấp nhận được.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới, theo quy định của luật Đấu thầu phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Do vậy, việc giao ACV làm nhà đầu tư, khai thác cảng cần phải được QH thông qua.
Về phương án huy động vốn của ACV, Chính phủ cho biết đơn vị này cần huy động 98.014 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu ACV đã bố trí được là 36.607 tỷ đồng, chiếm 37% tổng vốn đầu tư, còn lại phải đi vay.
Theo phân tích của Chính phủ, với năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường.
Vì vậy việc chọn ACV là nhà đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án sân bay Long Thành.
Thu Hằng
11 nghìn tỷ về tài khoản, Đồng Nai tính giữ 1 năm mới làm sân bay Long Thành
Nhắc đến dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Nai rút kinh nghiệm: Đã có khoản vốn trên 11.000 tỷ đồng chuyển về tài khoản, nhưng vẫn nói để tháng 10 sang năm mới làm.