Ông Mai Trọng Ái, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, cho biết đại đa số người cao tuổi trên địa bàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số với mức sống thấp; một số gia đình người cao tuổi tự lao động lo cuộc sống. Cùng với đó, một bộ phận người dân trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa, trong gia đình chỉ còn người già, trẻ nhỏ, thiếu vắng sự quan tâm, phụng dưỡng, chăm sóc của các thành viên trong gia đình.

Bởi vậy, huyện Bắc Mê tập trung các hoạt động truyền thông, hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp; lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, huyện duy trì và mở rộng hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe, lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào câu lạc bộ liên thế hệ với các loại hình câu lạc bộ khác. Tới đây, huyện sẽ phát triển mạng lưới tình nguyện viên, tham gia chăm sóc sức khỏe và xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Trên toàn tỉnh Hà Giang hiện gần 100% người cao tuổi đã có thẻ BHYT. Gần 63% (tương đương hơn 51.500) người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý các bệnh mãn tính.

W-nguoicaotuoivothu-1.png
Nhiều địa phương quan tâm, chăm lo, khám sức khỏe cho người cao tuổi. 

Bên cạnh đó, gần 20.000 người cao tuổi trong tỉnh được khám sức khỏe định kỳ, chiếm 24%; trên 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp phục hồi chức năng.

Một nửa gia đình có người cao tuổi bị bệnh suy giảm trí nhớ, khuyết tật nặng và có 3 vấn đề khó khăn khác được tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng.

Tại Hà Giang, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể ở Hà Giang luôn quan tâm, chăm lo cho người cao tuổi, không chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản về nâng cao sức khỏe mà còn các kỹ năng chăm sóc và tự chăm sóc, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi.

Qua đó, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi, xóa bỏ định kiến không kỳ thị, coi tuổi già là gánh nặng, cần quan tâm giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò người cao tuổi, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi.

Võ Thu và nhóm PV, BTV